Sáng 13/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, cựu sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM, về thăm và làm việc với cán bộ, giảng viên nhà trường.
Mở đầu, Chủ tịch nước chúc mừng các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ông nhắc đến nhiều người thầy cũ, nhìn nhận kiến thức sâu rộng, nhân cách mẫu mực của thầy cô là tấm gương sáng, động viên những thế hệ sinh viên bước vào cuộc sống với nhiều hoài bão.
"Cách đây hơn 30 năm, dưới mái trường này, chúng tôi đã được học tập với những cô giáo, thầy giáo đầy nhiệt huyết, luôn quan tâm đến sự tiến bộ của sinh viên. Những thành công có được của lớp sinh viên ngày ấy, trong đó có cá nhân tôi, có phần từ công lao dạy bảo của các thầy cô", Chủ tịch nước chia sẻ.
Ông Thưởng nhấn mạnh nhiệm vụ của giáo dục đại học không chỉ là truyền thụ tri thức, tạo ra tri thức mới, phục vụ sự tiến bộ, phồn vinh và hạnh phúc của xã hội mà còn chuẩn bị cho con người có đủ phẩm chất và năng lực hành động, sáng tạo, thích ứng trong một thế giới không ngừng biến động phức tạp, khó lường.
Trường đại học phải là nơi phát hiện năng lực, bồi dưỡng các giá trị, tạo nền tảng để cá nhân được phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo; từ đây cung cấp cho xã hội những công dân có trách nhiệm, sống tốt và làm việc hiệu quả.
Theo ông, đất nước đang nỗ lực hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Khát vọng và tầm nhìn ấy chỉ có thể thành hiện thực khi có nền tảng khoa học và giáo dục chất lượng, trong đó khoa học xã hội và nhân văn đóng vai trò quan trọng.
"Sức mạnh của một dân tộc không phải nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển mà là ở nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, tri thức và phẩm giá", ông Thưởng nói.
Với riêng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Chủ tịch nước chia sẻ một số định hướng.
Thứ nhất, trường phải kiên trì đổi mới tư duy và hành động, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
Thứ hai, nhà trường cần đổi mới quản lý theo hướng tự chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.
Thứ ba là đổi mới giáo dục theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, xây dựng môi trường văn hóa, môi trường học thuật để sinh viên tự tin, độc lập, sáng tạo.
Ngoài ra, trường cần có chế độ đãi ngộ và chính sách hợp lý với cán bộ có trình độ cao, tạo điều kiện và môi trường để thầy cô tự học tập, nghiên cứu, phát huy năng lực sư phạm.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng, cho hay trong bối cảnh tự chủ đại học, trường mong Nhà nước quan tâm kịp thời đến công tác đào tạo, nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản, trong đó có lĩnh vực Khoa học xã hội.
"Nếu không có sự quan tâm kịp thời, các ngành này có nguy cơ tụt hậu trước cơ chế thị trường, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học cơ bản trong tương lai", bà Lan nói, thêm rằng cần có chính sách đãi ngộ tốt hơn với giảng viên để họ yên tâm công tác.
Mặt khác, để đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học, bà Lan đề xuất Nhà nước ra chính sách tín dụng phù hợp cho sinh viên.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM, được thành lập năm 1957, tiền thân là Đại học Văn khoa (thuộc Viện Đại học Sài Gòn), Đại học Tổng hợp TP HCM. Hiện, trường có 34 ngành bậc đại học, 34 ngành thạc sĩ, 18 ngành tiến sĩ trong 7 lĩnh vực.
Trong 65 năm qua, trường đào tạo cho xã hội hơn 80.000 cử nhân, 6.000 thạc sĩ và 600 tiến sĩ. Về hợp tác quốc tế, trường thu hút sinh viên từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đến học tập, có quan hệ đối tác với hơn 250 đại học, viện nghiên cứu trên thế giới.
Ông Võ Văn Thưởng là cựu sinh viên khoa Triết học khóa 1988-1992, từng là Bí thư Đoàn khoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ của trường.
Lệ Nguyễn