Sáng 28/12, phát biểu tại cuộc tọa đàm "Đà Nẵng 25 năm: Thành tựu và triển vọng", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thành phố đã đạt được những thành tựu to lớn và tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, khi từ một đô thị nhỏ, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thiếu động lực kinh tế, đời sống người dân còn khó khăn để vươn mình phát triển mạnh mẽ. Sau 25 năm, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) tăng gấp 27 lần, tổng thu ngân sách tăng 18 lần, thu nhập bình quân trên đầu người tăng 7 lần...
Theo Chủ tịch nước, điểm nổi bật của Đà Nẵng là hạ tầng kết nối không gian đô thị được mở rộng, diện mạo thành phố thay đổi hoàn toàn và đã được quy hoạch hướng ra sông, ra biển, tạo sự hấp dẫn cho du khách... Đây là kết quả từ sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong giải phóng mặt bằng, khi có đến 120.000 hộ dân nhường đất, nhường nhà cho thành phố sắp xếp lại dân cư.
"Không có người dân, chúng ta không có thành phố hôm nay", Chủ tịch nước nói.
Trong hai năm 2020-2021, Đà Nẵng được Trung ương đánh giá cao khi đưa ra được nhiều cách làm tốt giúp ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19, giảm tối đa tỷ lệ bệnh nhân tử vong, đảm bảo an sinh cho người dân, lao động nghèo.
Trước bối cảnh chung khó khăn, năm nay kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng ở mức khoảng 3% "là điểm sáng đáng mừng", thu ngân sách vượt dự toán khoảng 4%.
Chủ tịch nước nói, những thành quả của Đà Nẵng đã truyền cảm hứng cho nhiều địa phương vượt khó vươn lên. Tuy nhiên, thành phố không được thỏa mãn, vì có phát triển nhưng quy mô và tầm vóc còn nhỏ, chưa xứng tầm là đô thị loại I, thành phố đặc biệt trực thuộc Trung ương và trung tâm của khu vực miền Trung.
Thu ngân sách hàng năm của Đà Nẵng hiện khoảng 22.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thanh Hóa - địa phương ở Bắc miền Trung, thu ngân sách năm nay đạt hơn 35.000 tỷ đồng; tỉnh Quảng Nam bên cạnh thu ngân sách gần 25.000 tỷ đồng... "Vì thế, Đà Nẵng phải tìm kiếm động lực vươn lên", Chủ tịch nước nói.
Mong muốn thời gian tới Đà Nẵng thực hiện thành công các mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đề nghị thành phố cần xây dựng chính quyền liêm chính, hiệu quả và thân thiện; triển khai bài bản, đồng bộ định hướng trở thành đô thị trung tâm, động lực quan trọng nhất của miền Trung, và xa hơn là vươn lên trở thành đô thị quốc tế, "nơi tài nguyên du lịch, sinh thái và văn hoá hoà quyện nhau để tạo sự hấp dẫn".
Đà Nẵng cần sớm hoàn thiện các quy hoạch thúc đẩy sự liên kết, tương tác với địa phương lân cận, trong đó có Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam; tập trung phát triển nguồn lực con người, phát huy bản sắc văn hóa vốn có của người xứ Quảng dám nghĩ, dám làm.
"Chìa khoá thành công của Đà Nẵng nằm trong khả năng đánh thức tiềm năng con người, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao", Chủ tịch nước nói, đề nghị lãnh đạo thành phố phải coi giáo dục đào tạo là động lực mạnh nhất thay đổi sự phát triển của Đà Nẵng trong thời đại công nghệ số.
Theo ông, Đà Nẵng cần tạo lập những mô hình tăng trưởng mới, như hướng đến trở thành trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm vui chơi giải trí quốc tế hiện đại, trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Bởi thành phố không có mô hình tăng trưởng mới thì khó thu hút và đưa quy mô kinh tế lên cao hơn.
"Đà Nẵng không nên tự so mình với các địa phương khác trong nước. Thay vào đó, cần mạnh dạn so sánh với các thành phố trong khu vực để có chiến lược cạnh tranh xứng tầm", Chủ tịch nước nói, cho rằng với nét riêng có, Đà Nẵng không nhất thiết phải sao chép, lặp lại mô hình đô thị của nơi khác mà "phải tạo ra sự khác biệt, phải trở thành đô thị độc nhất vô nhị không của chỉ ở Việt Nam mà cả trong khu vực và trên thế giới".
Để làm được việc này, Chủ tịch nước nói Đà Nẵng cần xác lập chương trình nghị sự bắt đầu từ những việc hết sức cụ thể, trước mặt đặt lộ trình đưa Đà Nẵng hiện diện trong bảng xếp hạng các thành phố đáng sống hàng đầu thế giới. "Đưa Đà Nẵng trở thành đô thị đáng sống, đáng đầu tư, đáng cống hiến và đáng trải nghiệm", ông nói.
TS Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, cũng cho rằng Đà Nẵng cần chuyển hướng phát triển sang dựa chủ yếu vào nguồn lực con người thay vì đất đai như trước đây. "Thành phố từng thành công với những dự án đổi đất lấy công trình, nhưng chỉ phù hợp trong một giai đoạn và không thể kéo dài, khi nguồn tài nguyên đất đai đã thu hẹp", ông Đông nói.
TS Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, nói trong tương lai Đà Nẵng phải là thành phố thông minh và nên đi tiên phong trong lĩnh vực này. "Không chỉ FPT mà nhiều công ty công nghệ đang chọn Đà Nẵng là điểm đến", ông Bình nói.
Ông Bình cũng chia sẻ tầm nhìn và mong muốn Đà Nẵng là thành phố xanh, không có ôtô chạy bằng xăng, dầu nữa mà tất cả sẽ đi xe điện. Người dân Đà Nẵng sẽ là công dân số, sống và làm việc, giao tiếp bằng phương thức số.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 của Đà Nẵng đạt khoảng 9%/năm; không gian đô thị được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với năm 1997. Thành phố cũng luôn thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính.