Thông tin được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói tại buổi tiếp xúc cử tri của các ứng viên đại biểu Quốc hội - đơn vị bầu cử số 10 (huyện Củ Chi và Hóc Môn), sáng 9/5.
"Đây là tuyến cao tốc kết nối cửa khẩu Mộc Bài qua hai huyện Củ Chi và Hóc Môn. Cao tốc hoàn thành sớm sẽ giúp khai thác quỹ đất rộng lớn của hai địa phương này, góp phần chuyển đổi việc làm cho người dân", ông Phúc nói.
Cao tốc TP HCM - Mộc Bài dài 53 km, có điểm đầu giao với đường Vành đai 3, điểm cuối tại Khu kinh tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Tuyến đường được quy hoạch từ lâu, về nguyên tắc do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, nhưng có một số lý do nên chưa thể triển khai.
Tháng 9/2019, UBND TP HCM và Tây Ninh cùng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng cho TP HCM có thẩm quyền, phối hợp Tây Ninh thực hiện dự án. Tháng 10/2020, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý cho TP HCM quyết định chủ trương đầu tư cao tốc TP HCM - Mộc Bài và triển khai, phê duyệt dự án.
Tuyến đường quy hoạch có 4 làn xe (17 m, giai đoạn 1), ước tính vốn đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng, dự kiến năm 2025 đưa vào hoạt động. Thời gian thu phí hoàn vốn (không bao gồm phần vốn nhà nước hỗ trợ dự án) dự kiến 23 năm 8 tháng sau khi dự án đưa vào khai thác.
Theo người đứng đầu Nhà nước, huyện Củ Chi là địa bàn khó khăn so với khu vực trung tâm TP HCM. Vì vậy, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn các gia đình cách mạng, gia đình chính sách, khó khăn ở địa phương.
"Phải đưa vùng đất này tiến bước cùng các khu vực khác của thành phố. Đây là vấn đề lớn được đặt ra cho các đại biểu Quốc hội và chính quyền thành phố", Chủ tịch nước nói và cho rằng việc xây dựng nông thôn mới không chỉ phát triển điện, đường, trường, trạm mà làm sao để đời sống người dân được nâng cao.
Chủ tịch nước nhận xét huyện Củ Chi đang đi theo mô hình tăng trưởng cũ. Huyện cần đổi mới mô hình, phát triển dịch vụ, đô thị sinh thái và trở thành vành đai xanh của TP HCM.
"Chúng tôi đều mong muốn huyện Củ Chi sẽ tiến bước, đóng góp cho việc xây dựng TP HCM trở thành hình mẫu cả nước. TP HCM không để Củ Chi tụt lại phía sau, ngược lại Củ Chi cần phát huy sức mạnh nội tại", ông nói và cho biết sẽ bàn với lãnh đạo thành phố triển khai sớm nhất các chương trình xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư lớn vào hai huyện Củ Chi và Hóc Môn.
Trong chương trình hành động của mình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ thúc đẩy việc triển khai 4 chương trình phát triển của thành phố gồm: Chương trình đột phá đổi mới quản lý; chương trình phát triển hạ tầng; chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa; chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và sản phẩm chủ lực.
Người đứng đầu Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề lao động, việc làm của người dân, tốc độ tăng trưởng của thành phố, các thiết chế văn hóa cho người lao động và việc đảm bảo môi trường sống xanh, sạch, an toàn. Ngoài ra, Chủ tịch nước mong muốn TP HCM được xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình và giới trẻ giữ gìn được những bản sắc văn hóa.
Đơn vị bầu cử số 10 của TP HCM có 5 ứng viên, gồm: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; ông Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Hiệp, Phó bí thư Đảng ủy Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM và thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ tư lệnh TP HCM.
Đây là lần đầu tiên chức danh Chủ tịch nước ứng cử ở hai huyện ngoại thành là Hóc Môn và Củ Chi. Ba nhiệm kỳ gần đây, Chủ tịch nước đều ứng cử ở đơn vị bầu cử số 1, gồm quận 1, 3 và 4.
TP HCM có 10 đơn vị bầu cử. Kỳ bầu cử này thành phố có 37 người chính thức ứng cử đại biểu khóa XV, 13 người được Trung ương giới thiệu về. Từ 50 ứng viên, cử tri bầu ra 30 đại biểu vào ngày 23/5 (mỗi đơn vị bầu cử có 5 ứng viên, bầu 3 người).
Hữu Công