Chiều 13/10, tiếp xúc cử tri các quận trung tâm TP HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dành khá nhiều thời gian để giải đáp thắc mắc, kiến nghị xung quanh công tác đấu tránh phòng chống tham nhũng. Ông đánh giá tình trạng tham nhũng còn phức tạp; xảy ra ở nhiều nơi, lĩnh vực, ngành.
"Có vị nói tham nhũng lớn đe dọa sự tồn vong của chế độ, tham nhũng vặt cũng làm khó chịu trong nhân dân. Các cơ quan Trung ương đã chỉ đạo, giải pháp để đấu tranh loại trừ tham nhũng. Đây là cuộc đấu tranh rất cam go, phức tạp, đòi hỏi sự sự kiên trì, kiên quyết của toàn Đảng, toàn dân", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ông cũng nhìn nhận một trong những điểm yếu và chưa có kết quả như mong muốn, là thu hồi tài sản tham nhũng. "Có những vụ tài sản tham nhũng rất lớn nhưng chủ yếu mới trừng trị, xử lý chứ chưa thu hồi được tài sản. Tôi cho là thành công của chúng ta mới được một nửa", ông nêu vấn đề.
Nói thêm về điều này, Chủ tịch nước cho rằng, pháp luật quy định rõ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Pháp luật có chính sách khoan hồng với người đầu thú, tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.
"Như đồng chí Tổng Bí thư nói 'ai trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa'. Tự báo cáo, tự nguyện khắc phục hậu quả sẽ giảm nhẹ hình thức xử lý. Đây là chính sách linh hoạt trong pháp luật hình sự, là cơ sở pháp lý rất quan trọng thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát", ông Trần Đại Quang cho hay.
Khẳng định không có vùng cấm trong xử lý vi phạm, ông nhấn mạnh việc Trung ương đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao vi phạm trong thời gian qua.
Chủ tịch nước cũng có những đánh giá về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, cho đây là vấn đề đã được quan tâm, kiểm soát, xử lý mạnh nhưng tình trạng vi phạm còn phổ biến. Việc tiêm chất kích thích; chất bảo quản; thuốc an thần vào heo, gia súc, gia cầm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đe dọa tính mạng nhân dân, xa hơn là ảnh hưởng chất lượng giống nòi.
Ông thông tin với cử tri rằng, vấn đề này đã được Quốc hội đưa vào chuyên đề giám sát. Vì vậy sắp tới Chính phủ phải định kỳ báo cáo Quốc hội, các thông tin này sẽ được đưa kịp thời đến cử tri, nhân dân cả nước.
Về ý kiến cho là có bất cập ở các dự án giao thông BOT, Chủ tịch nước nhìn nhận các vấn đề cử tri nêu là đúng. "Chủ trương đầu tư các dự án giao thông BOT là đúng đắn. Rất tiếc là việc lựa chọn dự, thẩm định, phê duyệt dự án, thu phí, đặt trạm thu phí còn chưa minh bạch dẫn đến bức xúc", ông nói.
Để giải quyết, Trung ương, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và đang cho thanh tra, kiểm tra toàn diện các dự án BOT. Đồng thời hoàn thiện chính sách pháp luật, rà soát tổng kết lại mô hình đầu tư này, đánh giá mặt được và hạn chế để khắc phục.
Đối với các dự án đã phát hiện sai sót sẽ tập trung xây dựng các phương án xử lý kịp thời, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, đơn vị để xảy ra.
Ngoài Chủ tịch nước, tổ đại biểu còn có ông Phan Nguyễn Như Khuê (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM; Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa (Chính ủy Bộ tư lệnh TP HCM; ông Lâm Đình Thắng (Phó bí thư Quận ủy Bình Thạnh).
Tuyết Nguyễn