Tối 21/6, tại lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ 18, sau khi ghi nhận báo chí và đội ngũ người làm báo đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị xây dựng đội ngũ làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có "tâm sáng, lòng trong, bút sắc".
Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Tô Lâm mong tất cả người làm báo có lập trường chính trị vững chắc, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung.
Ông cũng đề nghị cơ quan báo chí tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng thông tin thuần túy, công cụ giải trí đơn thuần. "Mỗi tác phẩm báo chí phải là sản phẩm văn hóa tinh thần có giá trị và giá trị sử dụng cao, chuẩn mực về nội dung, tươi mới, hấp dẫn về hình thức", ông nói.
Chủ tịch nước mong báo chí thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Trong đó, các cơ quan phải xác định rõ mục tiêu, lộ trình, triển khai chuyển đổi số và có kết quả cụ thể; tập trung đào tạo nguồn nhân lực trên các nền tảng số, nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ. Báo chí cần quan tâm nghiên cứu công chúng và các hình thức sản phẩm có sức hấp dẫn, khả năng tương tác cao, lan tỏa sâu rộng trong công chúng, đặc biệt là người trẻ.
Lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ 18 năm 2023 diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội. Hội đồng chung khảo đã chấm 165 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng sơ khảo và quyết định trao 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C, 41 giải khuyến khích.
Trong 10 tác phẩm đoạt giải A có "Thu hút đầu tư nước ngoài: Bước ngoặt 35 năm và cơ hội lịch sử" của báo Đầu tư; "Công viên Địa chất toàn cầu bị xẻ thịt" của báo Nông thôn ngày nay; "Trở về" của Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam; "Vì sao tiền dành cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số "bị nhốt" trong kho bạc?" của Cơ quan thường trú khu vực miền Trung, Đài Tiếng nói Việt Nam.