Báo cáo công tác Quốc hội sáng 22/3, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết, nhiệm kỳ khóa XIII được cử tri cả nước bầu ra ngày 22/5/2011, hoạt động trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Dù vậy, nhiệm vụ lập hiến, lập pháp đã được Quốc hội nỗ lực thực hiện và đạt kết quả nổi bật.
Thành quả lập hiến, lập pháp
Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành việc xây dựng và thông qua bản Hiến pháp 2013, thể chế hóa đường lối của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
"Với quá trình chuẩn bị khoa học, công phu, chặt chẽ trong 3 năm 2011-2013, bản Hiến pháp mới đã kế thừa và phát triển các giá trị cốt lõi, nền tảng của các Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, đồng thời bổ sung đầy đủ và sâu sắc hơn nhiều nội dung mới đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế", Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Đến hết kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIII đã ban hành 100 luật, bộ luật và dự kiến thông qua thêm 7 dự án luật trong kỳ họp này (trước đó, khóa IX thông qua 53 luật, khóa XI thông qua 84 luật, bộ luật; khóa XII thông qua 67 luật, bộ luật).
Tuy vậy, Chủ tịch cũng thẳng thắn thừa nhận hoạt động lập pháp còn không ít hạn chế. Việc thường xuyên phải điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được khắc phục. Một số đạo luật chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nên hiệu quả điều chỉnh và tính khả thi không cao.
Quốc hội khoá XIII cũng ban hành nhiều nghị quyết quan trọng quyết định việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; điều chỉnh các mục tiêu 5 năm sát thực tiễn hơn; tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội...
Chủ tịch đánh giá nhiều quyết sách đã giải quyết kịp thời bức xúc từ cuộc sống như: quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; hỗ trợ đóng tàu đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo...
Chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được thông qua sau quá trình thảo luận, cân nhắc, xác định đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội phía Nam và cả nước.
"Yếu tố trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn trong quyết sách của Quốc hội nhiệm kỳ này được thể hiện rõ nét. Mỗi phát biểu của đại biểu đều xuất phát từ đời sống thường nhật, lấy mục tiêu lo việc của dân để bàn thảo và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.
Nghị quyết về giám sát và lấy phiếu tín nhiệm
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã tiến hành chất vấn trực tiếp người đứng đầu cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.
Hoạt động giám sát tối cao theo chuyên đề đã được tập trung vào những vấn đề bức xúc và cấp thiết của cuộc sống như chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề; quy hoạch thủy điện; đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tái cơ cấu kinh tế; tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật...
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ ra dù có nhiều cải tiến nhưng hoạt động giám sát của Quốc hội còn hạn chế. Một số trường hợp chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan, biện pháp xử lý. "Việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri chưa đạt yêu cầu; giám sát việc thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được thực hiện tốt và kết quả thấp", ông nói.
Nhiệm kỳ khóa XIII cũng là lần đầu Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. "Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm được làm một cách dân chủ, công khai, minh bạch để công luận, cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát", Chủ tịch khẳng định.
Trách nhiệm về những yếu kém
Dù vậy, Quốc hội cũng nhận rõ phần trách nhiệm với những tồn tại, yếu kém của đất nước. Đó là chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng; tái cơ cấu kinh tế chậm; ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Thực trạng cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng chưa đạt yêu cầu; tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn phức tạp; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước thách thức mới...
"Những vấn đề này Quốc hội đã có nhiều giải pháp nhưng chưa đạt hiệu quả. Nguyên nhân của những hạn chế trên một phần là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới và những hạn chế, yếu kém vốn có của nền kinh tế. Mặt khác cũng có phần do Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chưa quan tâm thỏa đáng đến việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước", Chủ tịch thừa nhận và cho hay thực tế, đại biểu chưa được cung cấp đầy đủ thông tin, thiếu thời gian nghiên cứu, chưa có điều kiện sử dụng chuyên gia tư vấn, phản biện để phân tích trước khi biểu quyết.
Ông kiến nghị Quốc hội khoá mới cần nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng, nhất là vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tổ chức bộ máy, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Ông đề xuất tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên khoảng 40% tổng số đại biểu để làm nòng cốt xây dựng luật, hoạt động giám sát...
Ông Nguyễn Sinh Hùng đảm nhận vị trí người đứng đầu Quốc hội năm 2011. Cùng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông được nhiều đại biểu giới thiệu tái cử tại Đại hội Đảng khóa XII và đã xin rút. Người được giới thiệu thay thế ông là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Hoàng Thuỳ