Chiều 18/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội lần đầu cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp. Những nội dung liên quan đến việc vắng mặt tại phiên họp, kỳ họp, điểm danh, đóng góp ý kiến thảo luận được nhiều đại biểu cho ý kiến.
Theo dự thảo, đại biểu có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp; góp ý kiến về nội dung, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Trong trường hợp không thể dự hoặc vắng mặt tại các phiên họp, đại biểu gửi văn bản đến Tổng thư ký, nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt để báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng quy định như trên chưa đề cao được trách nhiệm của đại biểu. “Đại biểu của nhân dân mà họp thấy hội trường vắng hoe. Cứ nói kiêm nhiệm nhưng có thành viên Chính phủ luôn có mặt, trừ khi đi công tác nước ngoài. Có những đại biểu chức trách không lớn lắm vẫn dự họp không thường xuyên. Do đó quy định này cần chặt chẽ hơn”, ông Giàu đề nghị.
Dự thảo cũng quy định việc điểm danh tại phiên họp toàn thể được thực hiện bằng hệ thống điện tử; Đại biểu không điểm danh thay người khác. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng nội dung này chưa thể hiện cụ thể hơn. “Trường hợp để quên thẻ hay thẻ vẫn cắm ở đó thì khi bật lên hệ thống cũng tự điểm danh hoặc có đại biểu nhờ người khác cắm thẻ thì xử lý thế nào”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đặt vấn đề.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Giàu, quy định như dự thảo yêu cầu đại biểu gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội nêu lý do vắng mặt tại kỳ họp là chưa phù hợp mà trước tiên phải gửi trưởng đoàn đại biểu.
Đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng quy định về gửi lý do xin vắng mặt chưa khả thi. Ông Dũng đề nghị phân loại vắng mặt bao lâu hay toàn kỳ họp để người xin vắng báo cáo Trưởng đoàn, Tổng thư ký kỳ họp hay Chủ tịch Quốc hội.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, có ý kiến đề nghị Nội quy bổ sung quy định về tỷ lệ đại biểu đến dự phiên họp là một điều kiện để tiến hành phiên họp toàn thể. Cụ thể, phiên họp toàn thể tại hội trường chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu tham dự.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng, trong điều kiện Quốc hội nước ta có nhiều đại biểu kiêm nhiệm, nếu quy định như vậy sẽ xảy ra trường hợp phải dừng phiên họp toàn thể do không đủ 2/3 số đại biểu tham dự, khó thực hiện chương trình kỳ họp.
“Dự thảo Nội quy giữ như quy định hiện hành, không quy định tỷ lệ đại biểu tham dự là một điều kiện tiến hành phiên họp toàn thể”, ông Phúc cho biết.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, để chấp hành nội quy thì các đại biểu không được đi nước ngoài công tác khi kỳ họp Quốc hội diễn ra, trừ trường hợp đoàn cấp cao, cấp nhà nước. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của đại biểu dự họp. Bên cạnh đó, đại biểu xin nghỉ phải có sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội.
“Đại biểu Quốc hội phải nghiêm túc, toàn tâm, toàn ý, chất lượng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Tại phiên làm việc sáng 18/8, báo cáo xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về quy định chuyển đổi giới tính trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, việc khẳng định Nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính ngay trong dự thảo luật cần được cân nhắc kỹ, bởi có thể xâm phạm đến quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Theo ông Lý, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng quyền chuyển đổi giới tính là quyền con người, cần phải được ghi nhận trong luật. |
Võ Hải