"Cuối cùng UEFA cũng mạnh tay ra quyết định", Tebas nói với AP. "Siết chặt luật Công bằng Tài chính và trừng phạt gian lận tài chính là điều thiết yếu cho tương lai bóng đá. Án phạt cho Man City sẽ là bài học đắt giá cho các đội bóng khác".
Tebas từ lâu đã tố cáo những đội bóng như Man City hay PSG phá hủy bóng đá bằng tiền. Khi Man City bị UEFA cáo buộc gian lận tài chính tháng 5/2019, Tebas lên tiếng: "Vấn đề của PSG và Man City là họ được tài trợ bởi các quốc gia: một là dầu mỏ, một là khí đốt. Họ làm lũng đoạn thị trường chuyển nhượng, khiến các đối thủ phải dốc hầu bao để giữ chân trụ cột. Họ bỏ ngoài tai thu nhập từ mua bán cầu thủ, vì thu nhập của họ đến từ một quốc gia. Họ khiến các đội bóng khác phải sống trên bờ vực thẳm, khiến bóng đá châu Âu ngày càng phân hóa. Đây không phải bóng đá, cũng không phải nền công nghiệp giải trí, mà là trò chơi. Trò chơi của một quốc gia".
Man City được sở hữu bởi tập đoàn Abu Dhabi United (UAE) từ năm 2008, còn PSG được Quỹ đầu tư Qatar Sports mua lại năm 2012. Từ vị thế trung bình khá, họ vươn lên trở thành đội bóng hàng đầu tại Anh và Pháp. Abu Dhabi United được sở hữu bởi Sheikh Mansour - hoàng tử Abu Dhabi và cũng là phó thủ tướng UAE. Mansour mang về cho Man City bốn chức vô địch Ngoại hạng Anh.
Hôm 14/2, UEFA thông báo cấm Man City dự hai mùa Champions League tới (2020-2021 và 2021-2022). Cáo buộc cho rằng Abu Dhabi United bơm tiền trái phép cho Man City, lấy danh nghĩa các nhà tài trợ, để bù lỗ. Điều tra cho thấy Man City lỗ tổng cộng 195 triệu USD trong năm 2012 và 2013, vượt quá mức lỗ cho phép trong luật Công bằng Tài chính là khoảng 50 triệu USD.
Xuân Bình (theo AP, Sportbusiness)