"Cá nhân tôi nghĩ rằng Bitcoin vô giá trị. Tôi không muốn nói nhiều. Nó không có ý nghĩa với tôi", Jamie Dimon nói tại sự kiện của Viện Tài chính quốc tế Mỹ mới đây. Hiện tại, giá Bitcoin vẫn giữ vững đà tăng từ tuần trước. Đồng tiền này được giao dịch quanh mức hơn 57.500 USD.
Chủ tịch JPMorgan nói rằng khách hàng của nhà băng này đều là người lớn, họ có thể không đồng ý với quan điểm trên. "Mâu thuẫn chính là điều tạo nên thị trường. Vì vậy, nếu họ muốn có quyền tiếp cận để mua Bitcoin, chúng tôi không thể ngăn cản. Chúng tôi có thể cung cấp cho họ quyền tiếp cận hợp pháp, rõ ràng nhất có thể", Dimon nói.
Thực tế, JPMorgan đã làm như vậy. Tháng 2/2019, JPMorgan cho biết họ sẽ tung ra một loại tiền kỹ thuật số có tên là JPM Coin. Đến tháng 10/2020, ngân hàng này tạo ra một bộ phận mới cho các dự án blockchain. Hồi tháng 8, JPMorgan bắt đầu cho phép khách hàng là các nhà quản lý tài sản tiếp cận các quỹ tiền điện tử.
Dù vậy, Jamie Dimon vẫn giữ quan điểm phản đối tiền điện tử. Gần đây, ông cũng nói với Giám đốc điều hành của Axios, Jim VandeHei rằng, Bitcoin "không có giá trị nội tại". Dimon nghĩ rằng Bitcoin sẽ tồn tại lâu dài, nhưng ông vẫn cho rằng đồng tiền này sẽ bị coi là bất hợp pháp ở các nước như Trung Quốc. Dimon cũng nói với VandeHei rằng các giới chức sẽ siết chặt quản lý đồng tiền này.
Chủ tịch JPMorgan có thể đã đúng khi gần đây chính phủ Mỹ cũng tập trung vào việc điều tiết thị trường tiền số. Cuối tuần trước, chính quyền Biden cân nhắc một lệnh điều hành, nhằm chỉ đạo các cơ quan liên bang nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị về thị trường tiền điện tử.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng, nếu quy định được cân nhắc kỹ lưỡng sẽ có lợi cho Mỹ. "Nếu mọi người muốn tiền điện tử trở thành một tài sản chính thống, tôi nghĩ quy định là bước đầu tiên cần thiết", Anjali Jariwala, nhà hoạch định tài chính, sáng lập Fit Advisors nhận xét.
Tuy nhiên, những người ủng hộ tiền điện tử cũng đang cảnh giác với các quy định mới. Họ lo lắng rằng các quy định có thể kìm hãm sự đổi mới tiền điện tử ở Mỹ và thúc đẩy hoạt động kinh doanh ra nước ngoài.
Tú Anh (theo CNBC)