Chủ nhật, 10/11/2024
Chủ nhật, 26/11/2023, 14:29 (GMT+7)

Chủ tịch huyện về hưu mở bảo tàng

Nghệ AnÔng Vi Văn Phúc mở bảo tàng trưng bày gần 1.000 cổ vật, đồ dùng sinh hoạt của người Thái xưa nhằm bảo tồn văn hóa, phục vụ tham quan nghiên cứu miễn phí.

Bảo tàng tư nhân là căn nhà sàn hai tầng hơn 300 m2 nằm bên quốc lộ 7, thuộc thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, được lập hàng chục năm trước. Nơi đây lưu giữ gần 1.000 cổ vật, đồ dùng sinh hoạt, tài liệu văn hóa... của người Thái từ xưa đến nay.

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nghệ An có gần 340.000 người Thái sinh sống, chiếm hơn 10% dân số toàn tỉnh. Huyện Con Cuông có 7 dân tộc anh em, người Thái chiếm 75%.

Ông Vi Văn Phúc, 77 tuổi, chủ bảo tàng, từng giữ chức Chủ tịch huyện Con Cuông, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An.

Ông Phúc sinh ra trong gia đình có 4 thế hệ ở xã biên giới Môn Sơn, giáp Lào, cách trung tâm huyện Con Cuông hơn 30 km. Rời xã Môn Sơn ra thị trấn Con Cuông ở và làm việc từ năm 1992, mỗi lần về quê, ông nhận thấy phong tục, tập quán tốt đẹp của người Thái mai một dần.

Một số người thậm chí còn không biết nói tiếng Thái, những vật dụng từng gắn liền với đời sống đồng bào dần bị vứt bỏ để thay thế bằng đồ dùng hiện đại. Từ đó ông Phúc ấp ủ ý tưởng sưu tầm cổ vật, hiện vật để sau này khi có điều kiện sẽ mở bảo tàng nhằm bảo tồn văn hóa Thái.

"Mỗi lần đi công tác, đến các bản người Thái ở Nghệ An, Thanh Hóa, thấy đồ dùng từ xa xưa tôi đều hỏi mua nhằm tích trữ tư liệu. Sau năm 2010, lúc về hưu tôi mới thực hiện được kế hoạch", ông Phúc kể.

Tầng một trưng bày các dụng cụ sản xuất, săn bắt hái lượm, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của người Thái. Hơn chục năm nay, sau khi lập bảo tàng, hễ biết người Thái nào đang lưu giữ vật dụng quý thì ông Phúc đến tiếp cận hỏi mua. Nhiều gia đình khi nghe ông Phúc trình bày nguyện vọng muốn bảo tồn văn hóa đã tặng luôn hiện vật.

Những chiếc nồi đất của người Thái dùng để nấu cơm, thức ăn, trắc thuốc... được ông đặt trên kệ tre, tránh bị va chạm có thể hư hỏng.

Nhiều bó lúa phơi khô cũng được ông sưu tầm về, trưng bày tại nhóm công cụ sản xuất. Ông Phúc cho hay hiện vật về nông nghiệp khá dễ tìm, khó nhất là hỏi mua những món đồ liên quan đến tâm linh bởi nhiều cái làm bằng đồng và bạc có giá trị đã bị người dân bán hết.

Ông mong rằng người trẻ khi đến tham quan, tìm hiểu về các vật dụng này có thể hiểu phần nào cuộc sống của cha ông xưa.

Luống giã gạo dài hơn 3 m, rộng 50-60 cm, làm từ gỗ nguyên khối, được ông Phúc mua của người dân đưa về trưng bày tại bảo tàng. Hiện vật này liên quan đến diễn xướng dân gian của người Thái xưa.

Theo ông Phúc, quá trình giã gạo, thỉnh thoảng người dân khua thêm một vài nhịp vào thành luống hoặc gõ chày với nhau nhằm phát ra tiếng kêu vui tai, giúp xua tan sự nhàm chán và mệt nhọc trong lúc lao động.

Bộ cửa làm bằng gỗ nguyên khối, xung quanh chạm khắc hình các con vật như trâu, bò, lợn, gà, vịt... được ông Phúc mua của người dân thời đang làm lãnh đạo huyện Con Cuông. Theo ông, chi phí mua lại các hiện vật khó có thể đong đếm, vì mỗi thời điểm giá tiền khác nhau.

Tầng hai là nơi trưng bày các nhạc cụ truyền thống, đồ thờ cúng, ma chay, trang phục, trang sức... của người Thái.

Ngoài tư liệu cổ, ông Phúc cũng ghi chép lại các tập tục, nghi thức ma chay, cưới hỏi, thờ cúng tổ tiên... của người Thái vào các tờ giấy, đem cất giữ để truyền lại cho con cháu.

Hành lang tầng hai đặt nhiều ghế gỗ chạm khắc hình cá sấu. Ghế được làm hơn 100 năm trước, lưu giữ trong nhà một vị quan người Thái ở huyện Quỳ Châu, được ông mua lại.

Ở góc cuối tầng hai, ông Phúc sắp đặt không gian bếp của người Thái xưa, xung quanh bày trí nhiều vật dụng liên quan bếp núc. Thỉnh thoảng vợ chồng ông cũng sử dụng chính gian bếp này để nấu nước, trắc thuốc.

Vải lụa, bàn ủi con gà trưng bày tại bảo tàng. Những vật dụng này đến nay nhiều người Thái ở các huyện vùng cao Nghệ An vẫn sử dụng.

Hàng tuần, bảo tàng của ông Phúc luôn đón các đoàn khách, người dân trên địa bàn đếm tham quan, tìm hiểu giá trị về văn hóa. Bảo tàng mở cửa miễn phí, phục vụ nhiều lứa tuổi.

Lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin huyện Con Cuông nói rất quý trọng tâm huyết của ông Phục trong việc sưu tầm các vật dụng nhằm bảo tồn văn hóa của người Thái. Đây "là bảo tàng vô giá", giúp cán bộ chuyên môn có thêm nhiều tư liệu để nghiên cứu.

Bảo tàng tư nhân của ông Vi Văn Phúc
 
 

Ông Vi Văn Phúc, 77 tuổi, nói về việc xây dựng bảo tàng. Video: Đức Hùng

Đức Hùng