"Chúng tôi chưa quyết định liệu HongMeng có thể được phát triển như một hệ điều hành điện thoại thông minh trong tương lai hay không", Chủ tịch Huawei Liang Hua nói với các phóng viên tại Thâm Quyến (Trung Quốc). "Nhưng điều này có thể thay đổi phụ thuộc vào việc Mỹ có đưa chúng tôi vào danh sách đen, cũng như việc hợp tác Android với Google".
Nhắc lại ý kiến của CEO Huawei Nhậm Chính Phi với Le Point trước đó, ông Hua cho biết: "HongMeng không được thiết kế cho điện thoại như mọi người nghĩ. Công ty cũng không phát triển hệ điều hành nào để thay thế Android cả. Nếu Google rút giấy phép Android, chúng tôi cần xây dựng lại hệ sinh thái từ đầu".
Theo Forbes, phát biểu của ông Hua khiến nhiều người bất ngờ và khó hiểu. Hồi tháng 5, Richard Yu, lãnh đạo mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, còn khẳng định công ty đang phát triển HongMeng và dự kiến nền tảng mới "sẽ có mặt mùa thu năm nay, chậm nhất vào mùa xuân năm tới". Thậm chí, ông này còn tiết lộ "Phương án B" này đã có từ 2012, tương thích với tất cả ứng dụng Android, cải thiện tốc độ tới 60% so với sản phẩm của Google.
Còn theo Huawei Central, Huawei đã tiếp cận công khai với cộng đồng nhà phát triển để hỗ trợ HongMeng ở mảng phần mềm, đồng thời thử nghiệm trên một triệu smartphone và bắt tay với Xiaomi, Oppo chạy thử. Thương hiệu HongMeng OS đã được Huawei đăng ký tại một loạt quốc gia trên thế giới, bao gồm khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Australia...
Gần đây nhất, có báo cáo cho biết một số chuyên gia đã được trải nghiệm sớm HongMeng. So với bản tùy biến EMUI dựa trên Android mà Huawei đang áp dụng với các mẫu smartphone hiện nay, hệ điều hành mới được đánh giá có nhiều điểm khác biệt theo hướng đơn giản.
Sau thông báo của Liang, nhiều chuyên gia cảm thấy thất vọng, trong khi số khác tỏ ra nghi ngờ. "Tuyên bố này có thể không có nhiều ý nghĩa. Hệ điều hành mới có nhiều khả năng chưa sẵn sàng và chúng ta cần đợi thêm thời gian", một chuyên gia bình luận.
Trong khi đó, Giáo sư Michael Jacobides của London Business School (Anh) cho rằng Huawei cần thiết phải đầu tư một nền tảng di động riêng để phòng trường hợp các công ty Mỹ không còn hợp tác trong tương lai. "Huawei cần có phương án thay thế. Công ty không thể dựa vào một chính quyền Mỹ hay thay đổi và nguy hiểm như vậy. Thật là ngu ngốc cho các công ty Trung Quốc, đặc biệt là Huawei nếu không chuẩn bị một 'Kế hoạch B' có sẵn", Jacobides nói.
Bảo Lâm tổng hợp