- Từng là lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, quan điểm của ông như thế nào trước văn bản của Bộ trưởng Đinh La Thăng?
- Cá nhân tôi ủng hộ quyết định trên. Trong mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh thì Bộ trưởng có thể xử lý theo từng cách nhất định. Thời điểm này, nhân dân cả nước rất bức xúc trước tình trạng tai nạn, ách tắc giao thông mà các công trình vẫn chậm tiến độ, như đường 32 ngay giữa thủ đô bao nhiêu năm mãi không xong, thì yêu cầu cán bộ của mình tập trung vào công việc là xác đáng.
Công văn của Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ nói chơi golf là một trong những nguyên nhân. Chắc rằng Bộ trưởng sẽ xử lý nhiều nguyên nhân nữa. Hãy khoan chỉ vì văn bản này mà chúng ta ồn ào, hãy để Bộ trưởng Thăng bắt tay vào công việc. Những động thái ban đầu như vậy tôi cho là tốt, cần tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp.
Đứng về góc độ pháp lý, đây không phải là quyết định hành chính, không mang tính pháp quy mà là công văn nêu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Nếu nói nó là lệnh cấm thì không phải. Đây là công văn chỉ đạo và bộ trưởng có quyền điều hành công việc.
Còn nếu nói vi phạm quyền cá nhân thì hiện nay, nhiều đơn vị của Bộ Giao thông đang phải làm cả ngày thứ bảy, chủ nhật thì cũng là vi phạm Luật Lao động, sao không thấy ai nói gì? Tuy nhiên, việc giao cho Vụ Tổ chức cán bộ kiểm tra giám sát thì hơi lệch so với những nội dung của văn bản.
Ngày 17/10, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng có văn bản yêu cầu cán bộ lãnh đạo của Bộ không chơi golf để tập trung chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh và giải quyết công việc chuyên môn được giao. Ảnh minh họa: VGA. |
- Đặt mình vào vị trí của người lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, ông nghĩ thế nào về phản ứng cấp dưới?
- Anh đã là cán bộ lãnh đạo thì phải chấp nhận không được tự do như những người khác. Tôi cũng từng là cán bộ, từng mất tự do nhưng phải chấp nhận, nếu không thì cứ từ chức. Trong khi cả nước đòi hỏi cao ngành giao thông, anh phải hy sinh, nếu không đừng làm. Cách đặt vấn đề là đúng, tôi ủng hộ việc có chỉ lệnh như thế này, còn tiểu tiết trong hành xử cũng không thể trách Bộ trưởng vì ra được văn bản phải có người góp ý.
Nếu có sai sót thì trước hết là Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Giao thông Vận tải, văn bản phải qua đó, thứ hai là Chánh Văn phòng, người soát văn bản lần cuối. Nếu có gì sai sót chính 2 người đó phải chịu chứ không phải Bộ trưởng, vì Bộ trưởng không phải người tự ngồi viết văn bản.
- Với tư cách Chủ tịch Hội golf Hà Nội, theo ông yêu cầu của Bộ trưởng Giao thông ảnh hưởng như thế nào tới phong trào chơi golf?
- Những người đi chơi golf rất ít là quan chức, chủ yếu là doanh nhân, nhưng đa phần thuộc doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Vì thế, cơ quan quản lý nhà nước có yêu cầu lãnh đạo các đơn vị không chơi golf cũng không ảnh hưởng gì tới phong trào golf. Đương nhiên với một môn thể thao nào đó mà các cơ quan nhà nước không tham gia, không ủng hộ thì sẽ khó khăn cho phát triển.
Nhưng nếu vì chỉ lệnh của Bộ trưởng Giao thông mà ta phủ nhận một loại hình thể thao thì tôi cho là cách tiếp cận không đúng. Không nên trút gánh nặng, sự giận dỗi hay ác cảm lên một môn thể thao. Bất cứ cái gì lạm dụng đều sai.
Tiến sĩ Trần Chiến Thắng nguyên là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ông từng kiêm nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Trong khi mặt bằng thu nhập người Việt Nam còn thấp thì golf được coi là môn thể thao xa xỉ. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này?
- Không nên ác cảm với các môn thể thao vì mỗi môn có đối tượng của nó, có điều kiện của nó. Mỗi một hoạt động khi ra đời đều có hoàn cảnh, đối tượng, môn nào cũng thế. Trung Quốc còn sử dụng bóng bàn làm ngoại giao đấy thôi. Tất cả hoạt động văn hóa, thể thao đều là môi trường cho hoạt động đối ngoại, giao tiếp. Không phải là người ta đi chơi golf chỉ để chơi golf, giới tài phiệt không chỉ chơi golf, người ta còn chơi du thuyền hàng triệu USD... Đừng coi những chi phí để tham gia bất cứ hoạt động nào là xa xỉ vì mỗi đối tượng có một nhu cầu.
Trong khi đó, golf là môn thể thao gắn chặt với du lịch. Chúng ta nên quy hoạch, tổ chức quản lý cho tốt, phát huy hiệu quả tối đa. Nếu muốn có khách du lịch chi trả cao thì chúng ta phải nhắm vào đối tượng đấy. Ít người mà chi trả cao thì tốt hơn là nhiều người chi trả thấp. Lợi ích của ngành du lịch là có nhiều người tới chơi golf, vì đây là đối tượng chi trả cao.
Nhìn vào Bộ Giao thông, chúng ta cũng phải nhìn vào các bộ ngành, lĩnh vực khác. Ví dụ, ngành ngoại giao, bây giờ cán bộ ngoại giao không ai chơi golf thì vấn đề sẽ ra sao? Doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước, mà đối tác nước ngoài có nhu cầu chơi golf thì chúng ta xử lý thế nào? Cho nên ở đây có nhiều vấn đề liên quan cần xử lý đồng bộ.
- Vậy lý do nào khiến ông tham gia môn thể thao này?
- Khi tôi lãnh đạo ngành du lịch thì cả Tổng cục Du lịch không có ai chơi golf. Đấy là điều tôi rất buồn. Ngành du lịch quá bận với việc tổ chức tour, sự kiện và nó chiếm hết ngày nghỉ. Dù Tổng cục Du lịch rất nhiều năm tổ chức bình chọn sân golf, để quảng bá một sản phẩm, loại hình du lịch. Ngay Tổng cục Thể dục thể thao cũng chỉ có một người chơi golf, đó là trưởng bộ môn golf. Còn cấp phó không chơi, vì không có thì giờ, vì còn bao hoạt động phải làm, mà toàn làm ngoài giờ. Ngành văn hóa, ngành thể thao từng đề nghị các lãnh đạo phải đi tập vì đó là ngành anh quản lý, anh phải biết nhưng không bố trí nổi thời gian.
Tôi nhớ có một hội nghị du lịch quốc tế, giao lưu với các đối tác, khi người ta chơi golf thì tôi đứng ngoài rìa, như một anh nhà quê. Đó là một sự thiệt thòi. Tôi nhận thức được cái đó và tôi dành thời gian đi tập. Tôi tập để biết chơi, để tôi còn có thể tiếp được đối tác, nói chuyện được với họ, một đối tượng khách mà mình rất cần.
Cho đến nay, tôi chơi cũng được 2 năm rồi và chỉ chơi vào cuối tuần.
- Hai năm chơi golf, ông tiêu tốn như thế nào?
- Tôi chẳng bao giờ tính cả, bởi vì nó không rẻ nhưng đổi lại là tôi không phải chi cho bác sĩ. Tôi nghĩ chi phí cũng tương đương một lần tôi đi xét nghiệm, nhưng tôi không phải đi xét nghiệm, không chi cho bác sĩ. Để dễ so sánh tôi hỏi bạn một bộ máy ảnh bao nhiêu tiền? Khoảng hơn 30 triệu? Số tiền đó bằng một bộ gậy golf bình thường. Nhưng nhiều người dám bỏ ra để mua thì tại sao lại chê người bỏ tiền mua bộ gậy có khi chỉ 20 triệu đồng? Người chơi ảnh, chụp ảnh thì phải in, chi phí làm ảnh không rẻ, rồi bao nhiêu người chơi ảnh tốn kém tiền đi thực tế, sáng tác... Nhưng không ai so sánh, suốt ngày kêu réo người đi chơi golf, như vậy là không công bằng.
Trên 60% độc giả VnExpress đồng tình với yêu cầu của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ảnh chụp màn hình: N.H. |
- Người chơi golf mặc nhiên được coi là người nhiều tiền hoặc nhiều quyền. Ông suy nghĩ như thế nào về cách nhìn này?
- Cách đây 10-15 năm, người ta cũng nói chuyện như vậy về tennis. Rồi tới đây, người ta sẽ nói về những người chơi các môn khác, những người đua thuyền buồm, lướt ván. Để lướt ván thì trước hết phải có cano, có đội và cano thì không rẻ. Chỉ riêng xăng dầu để chạy một giờ của cano thì gấp nhiều lần ôtô chạy 100 km. Mà đấy mới chỉ là chi phí nhỏ. Nếu chúng ta phát triển du lịch, mà ta là quốc gia ven biển thì không thể bỏ qua môn này. Du lịch biển mới phát triển được, lúc đó tốn hơn nhiều mà nó lại còn tạo ít công ăn việc làm hơn golf.
Còn bất kể chơi môn nào cũng phải có điều kiện nhất định. Thứ nhất phải có thời gian; thứ hai đủ khả năng chi trả; thứ ba, gia đình ủng hộ. Người chơi phải xác định mình có đủ điều kiện không đã rồi hẵng tham gia. Chơi tennis cũng vậy thôi. Mua một đôi giày tử tế không rẻ, đua xe đạp cũng thế, ta đã làm gì có xe tốt. Hay như một môn nhiều người chưa biết đến, đó là leo núi mạo hiểm, một cái dây bảo hiểm, một đôi giày leo núi đắt kinh khủng, vì đấy là sinh mạng.
Nguyễn Hưng thực hiện