GS.TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, chia sẻ với VnExpress những nhận định ban đầu của ông về sự cố thủy điện Sông Bung 2.
- Nguyên nhân ban đầu sự cố được nhà chức trách xác định là nước lũ mạnh gây bục cửa van số 2, hầm dẫn dòng tại nhà máy thủy điện Sông Bung 2. Ông có nhận xét gì về sự cố này?
- Nguyên nhân trực tiếp như nêu trên là đúng rồi. Tuy nhiên, tôi thấy rằng hồ mới tích nước nên mực nước chưa cao mà đã vỡ cửa van, sau này khi hồ tích đầy nước thì trước sau sẽ vỡ nếu không có biện pháp khắc phục. Về nguyên tắc, thiết kế công trình thủy điện Sông Bung 2 phải tính toán tất cả các vấn đề có thể xảy ra, đảm bảo an toàn của hầm dẫn dòng khi có lũ lớn. Song thực tế vẫn xảy ra sự cố, cho thấy đây là lỗi kỹ thuật, thi công của công trình.
Ngoài ra, tôi thấy rằng chặn dòng của hồ thủy điện để tích nước thời điểm này không thích hợp vì đang mùa mưa, đáng lẽ phải chặn dòng trong mùa khô. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố đáng tiếc
- Chủ đầu tư khẳng định "toàn bộ công trình chính an toàn", vậy có thể đánh giá mức độ sự cố như thế nào?
- Nếu vỡ đập thủy điện sẽ rất khủng khiếp vì nước tràn xuống hạ du cùng lúc, còn bục van hầm dẫn dòng thì nước tràn xuống theo lưu lượng thiết kế hầm dẫn. Sự cố này vẫn có thể gây ngập lụt dưới hạ du. Trong thực tế sự cố đã làm hàng chục triệu m3 nước tràn xuống hạ du, như vậy là rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến đời sống dân cư địa phương.
- Trên Sông Bung hiện có 5 dự án thủy điện, sự cố xảy ra khiến nhiều người lo ngại vỡ đập liên hoàn. Ông có chia sẻ lo ngại này?
- Nhiều năm trước, khu vực Tây Nguyên từng xảy ra vỡ đập liên hoàn do chất lượng hồ đập không đảm bảo. Về lý thuyết, nguy cơ vỡ đập liên hoàn có thể xảy ra khi nước lũ dâng cao đột biến và các công trình liên quan được thiết kế, thi công kém chất lượng.
Với công trình thủy điện Sông Bung 2, lưu lượng nước tràn từ hầm dẫn dòng không ào ạt như vỡ đập, tuy nhiên đơn vị quản lý phải xả lũ tràn tại các đập bên dưới và có kế hoạch phòng ngừa. Qua sự cố này, các bên liên quan càng phải thường xuyên kiểm tra an toàn đập để có ngay biện pháp cần thiết.
Một công trình đã đến giai đoạn tích nước như thủy điện Sông Bung 2 lẽ ra phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, vậy nên việc xảy ra sự cố phải được xem là rất nghiêm trọng. Đây thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư công trình, các bên liên quan phải xem lại thiết kế, thi công từng hạng mục để sửa chữa, tránh sự cố khác có thể xảy ra.
Công trình thủy điện Sông Bung 2 được nghiệm thu, cho phép tích nước hồ chứa từ ngày 25/8, hoàn thành đóng cửa van hầm dẫn dòng vào ngày 3/9. Khởi công năm 2012, công trình có công suất lắp đặt 100MW gồm 2 tổ máy, sản lượng điện trung bình hằng năm 425,5 triệu KWh, mức đầu tư là 3.661 tỷ đồng. Đến tháng 5/2016, chủ đầu tư đã điều chỉnh phê duyệt dự án tăng thêm trên 1.600 tỷ đồng. Quảng Nam hiện là địa phương có mật độ thủy điện lớn nhất nước với hơn 40 công trình. |
Hiện trường thuỷ điện Sông Bung 2 khoảng 20 phút sau khi sự cố xảy ra. Clip: Nguyễn An
Đoàn Loan