Chiều 12/12, kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hoá bước sang phần thảo luận tại hội trường sau phần thảo luận tại tổ buổi sáng.
Được mời phát biểu, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá có nhiều ý kiến thẳng thắn liên quan đến cơ chế, chính sách cho khối doanh nghiệp.
Ông cho hay, Thanh Hoá đã có nhiều biến chuyển tích cực trong cải cách hành chính những năm gần đây nhưng còn tình trạng, một số cán bộ lãnh đạo cơ sở, có nhiều kinh nghiệm nên "quản lý nhà nước bằng mẹo". Vì thế nên mới có tình trạng "một cửa nhưng rất nhiều khoá".
![Ông Nguyễn Văn Đệ trong phần phát biểu thảo luận hôm nay 12/12. Ảnh: Lam Sơn.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/12/12/Ong-De-4646-1544622346.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lEZVVOZypU4xwMsdned_7Q)
Ông Nguyễn Văn Đệ trong phần phát biểu thảo luận hôm nay 12/12. Ảnh: Lam Sơn.
Ông Đệ thẳng thắn chỉ rõ, vẫn còn tệ nạn ở các sở ngành, khi doanh nghiệp đến làm thủ tục lại gặp tình trạng "bói chữ rất buồn cười". "Yêu thì sẽ hướng dẫn đầy đủ từ A đến Z, không yêu thì chỉ hướng dẫn A rồi cứ thế hành là chính đến Z", ông Đệ nói.
Theo ông Đệ, làm quản lý nhà nước cần bỏ kiểu làm việc trên cơ sở tình cảm, làm việc công thì phải dùng phép công. Ông thẳng thắn, có những doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh ưu ái quá mức, thực hiện dự án này chưa xong lại được giao dự án khác. Đang làm ở Nghi Sơn chưa xong lại được cấp đất ở thành phố, thành ra nhận đất xong lại bỏ. "Họ lấy tiền chỗ này đập vào chỗ kia, chắp vá thành ra chẳng chỗ nào hoàn thành cả. Lãnh đạo mà ưu ái như thế có khi lại hại chính doanh nghiệp...", ông Đệ phân tích.
Từ tình trạng trên, ông Đệ đề xuất lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cũng cần cải cách ngay cách điều hành. Theo ông, mỗi lần lãnh đạo tỉnh mời làm việc với doanh nghiệp thì cần mời ngay giám đốc sở liên quan chứ không phải cho cấp phó đi dự rồi lại điệp khúc "để về báo cáo giám đốc".
"Ở một số tỉnh thành, mỗi khi làm việc với doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh có mặt đầy đủ, có tất cả cấp phó luôn, rồi có ý kiến gì ý kiến luôn, không có chuyện nói ngoài", ông Đệ nói và cho rằng, cách làm như vậy sẽ tạo cảm hứng cho nhà đầu tư.
Chung quan điểm, ông Ngô Tiến Ngọc, Bí thư Huyện uỷ Ngọc Lặc cho rằng, vẫn còn không ít công chức hay "đánh bẫy" doanh nghiệp. Do đó nếu doanh nghiệp không có luật sư thì rất dễ vướng vào lao lý. "Cán bộ công chức tư vấn cho doanh nghiệp, nhân dân phải theo quy định chứ không phải tư vấn theo kiểu lên tỉnh xin bác này bác kia", ông Ngọc phát biểu.
Ông phân trần, dù "nói như tôi có khi không phù hợp với thời cuộc nhưng vẫn phải nói".
Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hoá khoá 17 diễn ra từ 11 đến 13/12. Trong ba ngày làm việc, các đại biểu sẽ xem xét nhiều vấn đề nóng trên địa bàn. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh giải trình về một số dự án đầu tư công chậm tiến độ, số dư tạm ứng lớn; Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường trả lời chất vấn về tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép ở nhiều nơi, nhất là hoạt động khai thác cát trái phép.
Đại biểu HĐND cũng sẽ chất vấn về tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở khám chữa bệnh; tiến độ giải ngân và chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công...
Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa sẽ giải trình về hoạt động tín dụng đen, cầm đồ trá hình dưới hình thức công ty tài chính; công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tỉnh...
Chiều 12/12 có phần công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 29 chức danh do hội đồng bầu tuy nhiên đúng thời điểm này, các cơ quan báo chí bị an ninh ngăn không cản cho vào hội trường tác nghiệp. Phiên chất vấn dự kiến sẽ diễn ra vào sáng 13/12.