Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson, thành viên đảng Cộng hòa, ngày 4/12 khẳng định ông không có kế hoạch đưa điều khoản viện trợ bổ sung trị giá 24 tỷ USD cho Ukraine vào nghị quyết cấp ngân sách cho chính phủ trước cuối năm nay.
Ông Johnson tuyên bố bất cứ khoản viện trợ nào cho Ukraine đều sẽ do Tổng thống đắc cử Donald Trump quyết định sau khi ông nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau.
"Vài tuần trước cuộc bầu cử, tôi đã nói rằng nếu ông Trump đắc cử, điều đó sẽ thay đổi động lực của cuộc xung đột Nga - Ukraine, và chúng ta đang chứng kiến điều đó", Chủ tịch Hạ viện nói.
Ông Johnson khẳng định hiện "không phải lúc để ông Joe Biden đưa ra quyết định", nhấn mạnh Hạ viện sẽ chờ và thực hiện theo chỉ đạo của tân tổng thống. "Do đó, tôi không nghĩ bất cứ khoản viện trợ nào cho Ukraine sẽ được thông qua vào thời điểm này", ông cho biết.
Nhà Trắng trước đó đề nghị quốc hội thông qua khoản viện trợ mới cho Ukraine tới năm 2026, trong đó có 8 tỷ USD cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, giúp cung cấp thêm thiết bị quân sự, hỗ trợ đào tạo lực lượng và cố vấn để tăng khả năng phòng thủ của nước này.
16 tỷ USD còn lại dành cho Bộ Quốc phòng Mỹ để bổ sung những vũ khí đã được gửi tới Ukraine, cũng như các khoản tiền bảo trì thiết bị quân sự trong kho. Khoản tiền này cũng dành để hoàn trả cho Bộ Quốc phòng về chi phí đào tạo quân sự cho Ukraine hoặc các nước khác đã hỗ trợ Kiev.
Bất cứ đề xuất ngân sách nào của Nhà Trắng cũng cần được thông qua tại Hạ viện, hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát, trước khi được phê chuẩn ở Thượng viện. Nếu không được Chủ tịch Hạ viện đưa vào nghị quyết, các đề xuất bổ sung ngân sách viện trợ cho Ukraine sẽ "chết yểu".
Quốc hội Mỹ trước đó đã thông qua nhiều gói viện trợ cho Ukraine. Chính quyền ông Biden còn khoảng 6 tỷ USD dành cho Ukraine trong các gói viện trợ này, nhưng đang đối mặt nhiều thách thức để giải ngân, do kho dự trữ quân sự của Mỹ cùng các đồng minh đang cạn kiệt sau gần ba năm chuyển giao vũ khí cho Kiev.
Chính phủ Mỹ hồi đầu tuần công bố gói viện trợ mới 725 triệu USD cho Ukraine, gồm tên lửa phòng không vác vai Stinger, rocket cho pháo phản lực HIMARS, máy bay không người lái, mìn chống bộ binh và nhiều thiết bị khác.
Ông Biden đang tăng cường sử dụng Quyền Điều chỉnh Nguồn lực Tổng thống (PDA), đạo luật cho phép chính phủ Mỹ rút trực tiếp vũ khí trong kho để chuyển cho đối tác trong trường hợp khẩn cấp mà không cần quốc hội thông qua.
Các gói viện trợ cho Ukraine theo PDA gần đây thường có giá trị khoảng 125-250 triệu USD. Ông Biden nhiều khả năng sẽ tập trung kích hoạt PDA để giải ngân toàn bộ 4-5 tỷ USD viện trợ vũ khí còn lại cho Ukraine trước khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức.
Ông Trump được dự đoán sẽ thay đổi chiến lược của Mỹ với Ukraine, do ông từng chỉ trích các khoản viện trợ cho Kiev và cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Ngọc Ánh (Theo Hill, AP)