Chiều 5/7, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh đã dành khoảng 30 phút cuối buổi để thông tin tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và trả lời chất vấn.
Hà Nội có khoảng 10 triệu dân, khối lượng công việc đồ sộ, nhưng theo ông Thanh bộ máy biên chế không có sự khác biệt so với các tỉnh thành khác, chỉ thêm một phó chủ tịch. Thành phố đang xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, tổng diện tích hơn 5.000 ha đất.
Mỗi hồ sơ dự án mất 2-3 ngày đọc và cần khoảng 5.000 cán bộ tham gia đọc mới tham mưu cho lãnh đạo phương án giải quyết. Đến nay, thành phố đã rà soát và có phương án xử lý 419 dự án (đã thông báo, quyết định thu hồi đất, chấm dứt, dừng thực hiện 118 dự án với khoảng 2.000 ha). Với 293 dự án còn lại, thành phố đặt mục tiêu xử lý dứt điểm trước ngày 31/12.
"Nhiều lúc tôi không hiểu anh em phải làm việc thế nào để xong được khối lượng công việc đồ sộ thế", ông Thanh nói, mong cử tri chia sẻ vì dù cố gắng bộ máy nhà nước vẫn tồn tại những bất cập nhất định.
Để giải quyết những tồn tại, Chủ tịch thành phố hứa "mỗi cán bộ làm việc bằng hai, bằng ba để xây dựng Thủ đô văn minh hiện hơn".

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên chấn vấn HĐND thành phố, chiều 5/7. Ảnh: Hoàng Phong
Liên quan đến chất vấn của đại biểu Phạm Đình Đoàn về kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2021 Hà Nội đứng thứ 58/63 tỉnh thành, ông Thanh cho biết thấy "xấu hổ" với bảng xếp hạng. Lãnh đạo thành phố xác định việc chuyển đổi số mang tính sống còn trong cải cách hành chính, người đứng đầu phải nhận thức được trách nhiệm và hệ thống phải sẵn sàng.
Sở Thông tin và Truyền thông được giao tập trung hoàn thành Trung tâm Dữ liệu để sớm đưa vào khai thác; tiếp tục bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt mạng diện rộng WAN, hệ thống giao ban trực tuyến (đã triển khai tới 3 cấp). Thành phố đã chỉ đạo triển khai Cổng dữ liệu và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP). Đây là hai hệ thống cơ bản làm nền tảng để các đơn vị tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước của thành phố.
Với công tác cải cách hành chính, theo ông Thanh, sau khi rà soát khoảng 1.900 thủ tục, thành phố đã ủy quyền 617, đạt 37%. Thủ tục hành chính sau khi ủy quyền đều được ban hành quy trình nội bộ hướng dẫn thực hiện theo phương châm "cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó thực hiện, không để nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực". Tuy nhiên, việc phân cấp, ủy quyền "không phải bắt tất cả quận huyện mặc một áo giống nhau mà căn cứ năng lực, số cán bộ.
Cũng theo ông Thanh, Hà Nội đi đầu cả nước trong hỗ trợ công dân khi tham gia dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số. Tại kỳ họp này, UBND thành phố đã trình và được HĐND thông qua nghị quyết miễn phí khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến.
Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội dự kiến tổ chức trong 4 ngày (đến 6/7) để xem xét, thông qua 43 nội dung, gồm 21 báo cáo và 22 nghị quyết. Một số nội dung quan trọng được các đại biểu xem xét thông qua là: Định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Đề án thành lập quận Đông Anh; miễn giảm phí, lệ phí; các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa thể thao.
Đại biểu cũng sẽ tái chất vấn việc thực hiện các cam kết, lời hứa tại các kỳ họp trước và chất vấn nhóm vấn đề cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước thuộc thành phố.
Võ Hải