Tại hội thảo quy hoạch đô thị Hà Nội sáng 18/9, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức về quá tải hạ tầng như giao thông, giáo dục, y tế, ô nhiễm, tình trạng xâm hại di sản văn hóa... do không kiểm soát được gia tăng dân số, nhất là di dân từ các khu phụ cận vào thành phố để kiếm việc làm. Dân số thủ đô là hơn 8 triệu người, trong đó có 7,3 triệu dân Hà Nội, số còn lại là người nhập cư không đăng ký hộ khẩu thường trú.
"Đây là áp lực quá lớn, hiện tượng di cư vào nội đô để tìm kiếm việc làm là nhu cầu bình thường song đã dẫn đến quá tải đô thị", ông Nguyễn Thế Thảo nói.
Lãnh đạo Hà Nội thừa nhận, hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa thể đáp ứng được nhu cầu người dân. Thành phố đang phát triển giao thông công cộng song nguồn lực chưa đủ, trong khi đó phương tiện cá nhân gia tăng 10-11% mỗi năm. Nhiều dự án đường mới mở vẫn không đáp ứng được sự gia tăng của phương tiện. Vấn đề nhà ở, cải tạo chung cư cũ vẫn là bài toán chưa có lời giải.
"Nguồn lực cho xây dựng hạ tầng ngày càng khó khăn, ngày càng khan hiếm quỹ đất đai. Đó là vấn đề thực tiễn đặt ra không phải đơn giản cho lãnh đạo thành phố", Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nói.
Ông Thảo cũng nhận định, những bất cập đô thị một phần do năng lực thực thi của chính quyền còn hạn chế, còn nhiều bất cập trong quy hoạch quản lý và phát triển đô thị, bảo tồn và phát triển. Ông nêu ví dụ, xây dựng cầu vượt ở nút giao Ô Chợ Dừa có thể ảnh hưởng việc bảo tồn Đàn Xã Tắc, xây cầu đường qua sông Hồng ảnh hưởng việc bảo tồn cầu Long Biên...
Mặc dù vậy, vị Chủ tịch cũng khẳng định, quy hoạch chung thủ đô đã hướng đến mục tiêu đô thị xanh, là một trung tâm chính trị hành chính quốc gia, đô thị phát triển đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không có bệnh đầu to. Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực để thực hiện quy hoạch theo yêu cầu phát triển.
Tại hội thảo, TS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng, một số cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cao đẳng, trụ sở bộ, ngành đã không phù hợp tồn tại trong nội đô, cần được kiên quyết di dời. Cùng với đó là cần có đột phá về cải tạo, phát triển hạ tầng. Thực tế nhiều tuyến đường đã có dự án nhưng thực hiện chưa được, như tuyến Trần Khát Chân - Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Mạng lưới các điểm, bến, bãi đỗ xe đã có những nghiên cứu, điều chỉnh song kết quả chưa đạt được.
TKS Bùi Xuân Tùng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cũng nhận xét, bộ mặt kiến trúc đô thị vẫn còn bất cập như nhiều tuyến phố còn nhếch nhách, nhà siêu mỏng, siêu méo, nhiều công trình kiến trúc chưa làm rõ yếu tố truyền thống đặc trưng của Hà Nội.
Ông Tùng cho rằng, nguyên nhân do năng lực, trình độ quản lý các cấp còn hạn chế, công tác quy hoạch chưa đi trước, thêm vào đó là ý thức xây dựng đô thị văn minh của đa số cá nhân, tổ chức còn chưa cao, công tác thanh, kiểm tra chưa được thực hiện kiên quyết.
Theo Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội, sau khi được mở rộng địa giới hành chính, năm 2008, dân số của thủ đô là 6,35 triệu người, đến tháng 12/2011 là 6,87 triệu người. Trong khi đó, theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 định hướng đến năm 2050, mục tiêu phát triển dân số của Hà Nội đến năm 2015 là 7,2 - 7,3 triệu người, đến năm 2020 khoảng 7,9 - 8 triệu người. |
Đoàn Loan