Phát biểu tại kỳ họp thứ 13 HĐND Hà Nội sáng 8/7, ông Nguyễn Thế Thảo thay mặt UBND thành phố giải trình rõ thêm một số vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm, trong đó có việc cải tạo, thay thế cây xanh gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.
Người đứng đầu thành phố tiếp tục khẳng định việc thay thế cây xanh là cần thiết, một chủ trương đúng đắn, phù hợp quy hoạch và các quy định của pháp luật. Đây là việc làm thường xuyên nhằm bảo đảm an toàn giao thông, tính mạng, tài sản của nhân dân; đồng thời từng bước cải tạo chỉnh trang, góp phần xây dựng thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.
Chủ tịch Hà Nội dẫn chứng từ thực tế cơn giông lốc chiều 13/6 đã làm hơn 1.000 cây bị gãy đổ, gây thiệt hại về người, tài sản, làm ùn tắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông. Theo Chủ tịch Hà Nội, chủ trương trồng thay thế cây xanh trên một số tuyến phố đã góp phần chỉnh trang đô thị như phố Huế, Hàng Bài, Nguyễn Thái Học, Giảng Võ, Quang Trung… “Những dẫn chứng trên càng khẳng định thay thế cây xanh là việc làm cần thiết”, ông Thảo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, lãnh đạo Hà Nội thừa nhận trong quá trình thực hiện, còn một số tồn tại, thiếu sót như trong kết luận Thanh tra đã công bố, nhất là trong cách làm có phần nóng vội, cách thông tin, tuyên truyền chưa công bố rộng rãi, chưa tranh thủ ý kiến của cộng đồng, ý kiến các nhà khoa học trước khi thực hiện. Điều đó dẫn đến việc hiểu lầm, lo âu, hoài nghi, bức xúc, phản ánh gay gắt.
Trước tình hình đó, thành phố đã quyết định tạm dừng để rà soát, điều chỉnh chủ trương thay thế cây xanh. Bên cạnh đó thành phố cũng chủ động nghiêm túc thanh tra, nói rõ đúng sai, chỉ rõ trách nhiệm. Kết luận được công bố trên các phương tiện thông tin báo chí. Thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khắc phục những thiếu sót, điều chỉnh cách làm.
Về việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, ông Thảo cho biết, thành phố đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc kiểm điểm theo quy trình, quy định. "Kết quả kiểm điểm xử lý trách nhiệm sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Thảo cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Thảo, những thiếu sót tồn tại trong thay thế cây xanh là đáng tiếc và không đáng có. Đây cũng là bài học rất quý giá và rất đắt giá với thành phố. “Nhân dịp này thành phố cũng mong muốn đại biểu Hội đồng nhân dân và cử tri chia sẻ, ủng hộ việc thay thế cây xanh để góp phần xây dựng thủ đô văn minh hiện đại”, Chủ tịch Hà Nội bày tỏ.
Đối với ý kiến về cơ chế kiểm soát việc trồng, thay thế cây mới và để khắc phục những tồn tại trong kết luận thanh tra, thành phố đã giao Sở Xây dựng thực hiện việc rà soát, đánh giá lại các khâu, tiêu chí, cũng như biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện; rà soát, đánh giá, phân loại những cây phải hạ chuyển, bổ sung, thay thế, lập kế hoạch, lộ trình thực hiện từng bước đảm bảo duy trì mật độ cây xanh thường xuyên trên từng tuyến phố trên các quận và thị trấn của huyện. Việc lập hồ sơ chi tiết, đánh giá, phân loại theo tiêu chí xác định sẽ xong trước tháng 7/2016.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ điều chỉnh Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014-2015; tổ chức công bố và thực hiện đề án, đi đôi với tăng cường quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo quy định; nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý cây xanh đô thị.
Sáng nay, HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Sở Du lịch trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, lãnh đạo Sở Du lịch sẽ gồm Giám đốc và 3 Phó giám đốc, 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ. Trước mắt xác định biên chế hành chính của Sở gồm 69 người, được tách chuyển từ biên chế công chức của Sở Văn hóa. Theo số liệu thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm 2015, tổng lượng khách đến thủ đô Hà Nội đạt 10.030.783 lượt, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khách quốc tế đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 8,8%; khách nội địa đạt gần 8,5 triệu lượt, tăng 3%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 25.438 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2014. |
Võ Hải