Ý kiến trên được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đưa ra tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, chiều 14/10.
Theo báo cáo của HĐND thành phố, Hà Nội đang triển khai 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở quy mô từ 2 ha trở lên, trong đó có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chiếm tỷ lệ 63%.
Nhiều hạ tầng kỹ thuật trong các khu đô thị còn chưa được hoàn thiện, bất cập như bãi đỗ xe, trạm xử lý nước thải, hệ thống đèn chiếu sáng và công viên cây xanh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại phiên chất vấn, chiều 14/10. Ảnh: Xuân Hải
Giải trình với cử tri, Chủ tịch Hà Nội cho hay, thành phố rất quan tâm đến đầu tư hạ tầng phục vụ nhân dân trong các khu đô thị nói riêng và trên địa bàn toàn thành phố. Vừa qua thành phố đã thành lập tổ công tác do một Phó chủ tịch UBND làm trưởng ban để rà soát, đôn đốc các dự án công viên cây xanh.
"Năm 2023 phải làm sống lại các công viên ở Hà Nội", ông Thanh nêu quyết tâm và cho hay, thành phố sẽ sớm tìm mô hình, kêu gọi đầu tư xây dựng cải tạo hệ thống công viên cây xanh để người được hưởng lợi.
Làm rõ thêm ý kiến về việc công viên Thiên Văn Học (chủ đầu tư là tập đoàn Nam Cường) đã hoàn thành hai năm nhưng chưa đưa vào sử dụng, Phó chủ tịch UBND Dương Đức Tuấn thông tin, việc đầu tư xây dựng công viên này sai với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của khu đô thị mới Dương Nội. Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan đang xử lý các vấn đề liên quan vi phạm trật tự xây dựng ở dự án này.

Công viên thiên văn học, quận Hà Đông. Ảnh:Thế Quỳnh
Ông Tuấn cho hay, rút kinh nghiệm từ việc công viên nước Thanh Hà (tập đoàn Mường Thanh) bị tháo dỡ hoàn toàn sau khi sai phạm, thành phố sẽ cân nhắc phương án giải quyết với công viên Thiên Văn Học.
Thành phố giao Sở Quy hoạch Kiến trúc kiểm tra toàn diện việc xây dựng công viên trên thực tế có phù hợp hay không, nếu một số hạng mục không phù hợp với quy hoạch nhưng phù hợp với tổng thể thì vẫn đưa vào sử dụng. Phó chủ tịch thành phố bày tỏ hy vọng sớm giải quyết được vấn đề pháp lý và đưa công viên vào vận hành.
Hà Nội hiện có 4 công viên do thành phố quản lý gồm Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình. Từ cuối năm 2021 thành phố đã có kế hoạch đầu tư cải tạo các công viên này nhưng báo cáo mới đây của Sở Xây dựng cho thấy việc cải tạo gặp còn nhiều khó khăn.
Khoảng 40 công viên vườn hoa do cấp quận, huyện quản lý cũng sẽ được cải tạo trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó có các công viên như Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Bán đảo Linh Đàm, Ba Mẫu, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Đền Lừ, Indira Gandhi, Nguyễn Trãi.
Bên cạnh đó, thành phố đặt mục tiêu đến 2025 xây dựng mới 9 công viên nhưng đến nay đều đang chậm tiến độ: công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội; công viên CV1 ở quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm; Công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở huyện Thanh Trì; Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy ở Đông Anh; Công viên hồ Phùng Khoang thuộc quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân; Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông...
Võ Hải