Chiều 18/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống CoVid-19 của thành phố, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói, thủ đô bước vào tuần thứ hai ứng phó với dịch (kể từ khi ghi nhận ca dương tính đầu tiên ngày 6/3) trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh tăng cao, "không loại trừ thời gian tới số ca tăng sẽ là 2 con số".
Theo ông Chung, thời gian cao điểm của nguy cơ lây nhiễm bệnh trên địa bàn thành phố trong 3 đến 4 ngày tới và có thể kéo dài đến 3/4.
"Mọi người cần nâng cao cảnh giác, nếu không có việc quá quan trọng thì nên ở nhà càng nhiều càng tốt để tránh dịch bệnh. Chúng ta đang bước vào giai đoạn đầy thử thách và nguy cơ ẩn chứa ở nơi công cộng rất cao", ông nói.
Lãnh đạo Hà Nội đề nghị hạn chế mua bán ở nơi đông người; hạn chế các tuyến xe buýt, người dân nếu cần đi lại nên sử dụng phương tiện cá nhân.
Công chức, viên chức và người lao động của thành phố được yêu cầu thường xuyên kiểm tra thân nhiệt, nếu có biểu hiện bệnh thì phải nghỉ làm. Các công ty nếu có điều kiện nên chuyển sang làm việc trực tuyến.
Ông Chung cho rằng, diễn biến dịch bệnh những ngày tới có thể làm người dân lo lắng, vì vậy các cơ quan chức năng cần tuyên truyền để "mọi người bình tĩnh thực hiện các chỉ dẫn về phòng ngừa bệnh, chăm sóc tốt cho người già, trẻ em".
"Thành phố đang chủ động kiểm soát tốt tình hình, xác minh nhanh trường hợp có khả năng lây nhiễm để áp dụng biện pháp phù hợp", ông nói thêm.
Cũng tại cuộc họp của Hà Nội chiều nay, ông Nguyễn Đức Chung đã quyết định cho hơn 2 triệu học sinh Hà Nội từ mầm non tới THPT tiếp tục nghỉ đến ngày 5/4.
Việt Nam ghi nhận 75 ca bệnh trong đó 16 ca khỏi từ tháng trước, 59 ca đang cách ly điều trị, trong đó Hà Nội có 20 trường hợp. Các ca bệnh xâm nhập chủ yếu từ châu Âu và Mỹ, sau đó lây lan cộng đồng. 15 tỉnh, thành xuất hiện bệnh nhân, trong đó Hải Dương và Bắc Ninh lần đầu ghi nhận.
Sức khỏe hầu hết bệnh nhân ổn định, tuy nhiên có hai ca nặng đều trên 60 tuổi và có bệnh nền. Có 5 bệnh nhân đã cho kết quả xét nghiệm âm tính ít nhất một lần.
Võ Hải