Tại phiên chất vấn của HĐND thành phố về giao thông đô thị chiều 7/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trả lời đại biểu Phạm Đình Đoàn về giải pháp chống ùn tắc, đáp ứng nhu cầu trông giữ phương tiện, phát triển giao thông ngầm và hình ảnh giao thông Thủ đô trong 20-30 năm tới.
Ông Thanh cho biết thành phố đã nhìn ra các vấn đề của giao thông đô thị nên trong Luật Thủ đô sửa đổi thiết kế nhiều chính sách tạo nguồn lực thực hiện hạ tầng, trong đó có đường sắt đô thị. "Chúng ta mất 15-20 năm mới xong đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông cũng thế. Nếu tiếp tục làm từng dự án sẽ mất 100 năm để xong 12 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch", ông nói.
Theo Chủ tịch Hà Nội, thành phố sẽ lập đề án tổng thể 12 tuyến đường sắt, có cơ chế, nguồn lực riêng để thực hiện với hy vọng 20 năm nữa sẽ hoàn thành, giải quyết được những vấn đề đang đặt ra với giao thông đô thị.
10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 (quy hoạch 1259) gồm: Tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh; số 2 Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi; số 2A Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai; số 3 Trôi - Nhổn - Yên Sở; số 4 Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà; số 5 Văn Cao - Hòa Lạc; số 6 Nội Bài - Ngọc Hồi; số 7 Hà Đông - Mê Linh; số 8 Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá và tuyến 9 Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai. 10 tuyến này có tổng chiều dài 417 km, trong đó đường trên cao 342 km, đi ngầm 75 km.
Thành phố đang điều chỉnh quy hoạch 1259, trong đó đề xuất xây dựng thêm ít nhất hai tuyến đường sắt đô thị kết nối giữa các vùng kinh tế.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Văn Luyến (huyện Đan Phượng) nêu thực trạng đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sau 13 năm thi công mới chỉ đạt được 78% tiến độ. Đoạn trên cao 8,5 km về cơ bản hoàn thành (đạt 99%) nhưng đoạn ngầm 4 km mới đạt 36,5%.
"Dự án hiện nay triển khai rất chậm và việc rào chắn lòng, lề đường phục vụ dự án dẫn đến ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân", ông Luyến nói, đề nghị cơ quan chức năng cho biết đoạn trên cao có thể đưa vào vận hành thương mại cuối năm 2023 và vận hành toàn bộ dự án vào năm 2027 như cam kết tiến độ gần đây hay không?
Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết đến nay công tác xây lắp, lắp đặt thiết bị đoạn trên cao cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, do khó khăn về điều chỉnh nguồn vốn nên từ tháng 5 đến tháng 10 tư vấn đã dừng thực hiện công việc, đầu tháng 11 mới quay trở lại.
"Các đơn vị liên quan của thành phố đang nỗ lực để đưa đoạn trên cao vào khai thác thương mại trong quý II/2024", ông Minh nói và cho biết nhà thầu đang nỗ lực thi công đoạn đi ngầm để khai thác toàn tuyến 8,5 km từ Depot Nhổn đến ga Hà Nội vào năm 2027 như kế hoạch. Nhà thầu thi công đoạn ngầm trước đó cũng dừng thi công một năm do khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km và đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4 km. Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015, nhưng sau bốn lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới của toàn tuyến dự kiến là năm 2027.
Võ Hải