Thảo luận tại tổ sáng 26/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ủng hộ đấu giá biển số ôtô để tránh đầu cơ và cho rằng mức khởi điểm đấu giá ở Hà Nội, TP HCM 40 triệu đồng, các địa phương còn lại 20 triệu đồng là thấp. "Nếu bước giá 5 triệu đồng thì đấu giá mấy ngày mới đến giá thật?", ông băn khoăn.
Theo Chủ tịch Hà Nội, những nơi như Hà Nội, TP HCM nên để giá khởi điểm 100 triệu, các tỉnh còn lại 50 triệu đồng. Cùng với đó, bước đấu giá tại Hà Nội nên là 20, 40, 50 triệu đồng. Như vậy "có khi chỉ 10 phút là đấu giá xong".
"Nên giao HĐND địa phương quyết định mức giá khởi điểm, bước giá khi đấu giá biển số ôtô. Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định giá tối thiểu", ông Thanh nói, cho rằng không nên lo ngại giá khởi điểm cao, vì "Nhà nước có thể nghèo chứ dân không nghèo, như ở Đăk Lăk xe sang còn nhiều hơn Đà Nẵng". Ông Thanh cũng đề nghị tiền thu từ đấu giá biển số xe đưa về ngân sách địa phương.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại Quốc hội. Ảnh: Media Quốc hội
Đại biểu Trần Công Phàn (Phó chủ tịch chuyên trách kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng dự thảo chưa đưa ra tiêu chí cụ thể số xe nào sẽ được đưa ra đấu giá và ai là quyết định. Ban soạn thảo cần quy định tiêu chí rõ ràng, ví dụ trong một dãy số thì số nào là đẹp để đấu giá.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nhận xét, một số nội dung trong dự thảo nghị quyết còn mâu thuẫn với quy định hiện hành. Ví dụ đề xuất cho phép chuyển nhượng, mua bán biển số sau khi trúng đấu giá là chưa phù hợp, có thể gây vướng khi triển khai vì Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm việc mua bán biển số xe cơ giới.
Hay dự thảo đề xuất người dân được đấu giá biển số ở tất cả tỉnh, thành trên cả nước, nhưng quy định hiện hành yêu cầu việc đăng ký và cấp biển số xe phải theo địa bàn, tức là theo hộ khẩu. "Một người ở Cà Mau đấu giá biển số xe ở Hà Nội và gắn biển số Hà Nội, chạy ở Cà Mau thì quản lý sẽ rất phức tạp, cần có quy định về việc đăng ký để quản lý theo địa bàn", bà Thủy nói.
Nữ đại biểu cũng đề nghị Bộ Công an lý giải cụ thể về cách thức quản lý phương tiện giao thông, cụ thể là ôtô thay đổi thế nào để phù hợp với quy định đấu giá trên cả nước sẽ thực hiện sắp tới.
Đây cũng là băn khoăn của đại biểu Nguyễn Danh Tú (Thường trực Ủy ban Tư pháp) vì hiện nay Nhà nước quản lý biển số ôtô theo đầu số đại diện cho mỗi địa phương. "Khi người dân tự do đấu giá biển số ở tất cả địa phương thì Công an tỉnh Kiên Giang có thể cấp biển số đầu 29 của Hà Nội không? Nếu thí điểm này thì việc quản lý biển số xe theo các tỉnh có còn ý nghĩa hay không", ông Tú nói.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Media Quốc hội
Trong khi đó, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng Việt Nam vẫn còn khoảng cách giàu nghèo. Người nghèo đã không được đi xe đẹp như người giàu, khi đấu giá biển số, họ sẽ không còn cơ hội sở hữu biển số đẹp thông qua bấm số ngẫu nhiên. Điều này có thể tạo ra sự bất bình đẳng.
Ông Nghĩa đề nghị ban soạn thảo tham khảo rộng rãi ý kiến của người dân và làm rõ các vấn đề liên quan đến thừa kế biển số xe trúng đấu giá. Đơn cử vợ chồng bỏ ra tiền tỷ để mua biển số, vậy khi ly hôn sẽ giải quyết thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ) cũng đặt ra hàng loạt vấn đề như người dân bình thường không tham gia đấu giá thì quyền của họ ra sao? Nếu đưa hết những số trong kho dự kiến cấp trong thời gian nhất định lên để đấu giá thì khoảng thời gian đó, những người không muốn đấu giá, chỉ muốn bấm biển số bình thường, sẽ thực hiện thế nào?
"Tiêu chí chọn số đưa lên kho số bán đấu giá là gì, cần quy định chặt chẽ để không ảnh hưởng tới quyền của người dân", ông Phương nói.
Đại biểu Dương Ngọc Hải (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM) cũng băn khoăn "làm sao đảm bảo công bằng khi đấu giá biển số xe". Thực tế, nhiều người muốn sở hữu biển số đẹp nhưng không có nhiều tiền để tham gia đấu giá. "Nếu quay số ngẫu nhiên, họ vẫn hy vọng sẽ quay được số đẹp. Còn khi đấu giá, chỉ người giàu mới có được", ông nói.
Theo dự thảo nghị quyết, biển số đấu giá nền trắng, chữ, số màu đen và chưa được đăng ký, nằm trong cơ sở dữ liệu của Bộ Công an. Việc đấu giá được thực hiện trực tuyến, mức khởi điểm chia làm hai vùng. Vùng 1 gồm Hà Nội và TP HCM 40 triệu đồng; vùng 2 các địa phương còn lại 20 triệu đồng.
Không đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách Nhà nước, xe của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo chương trình kỳ họp, ngày 7/11, dự thảo nghị quyết về đấu giá biển số sẽ được các đại biểu thảo luận hội trường, và Quốc hội xem xét thông qua chiều 15/11.
Viết Tuân - Sơn Hà - Hoài Thu