Trước làn sóng tiết kiệm chi phí công nghệ bằng cách thuê nhân lực ngoài (outsource) của nhiều doanh nghiệp trên thế giới, Chủ tịch Tập đoàn FPT - ông Trương Gia Bình tin rằng công ty mình và Việt Nam nói chung hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu này.
Ông cho biết lợi nhuận của FPT từ hoạt động này đã tăng 31% mỗi năm trong thập kỷ trước và vẫn còn khả năng phát triển. Nhu cầu thuê nhân lực ngành IT Việt Nam của nước ngoài rất mạnh do chi phí nhân công tại Ấn Độ và Trung Quốc đang tăng. Theo ông Bình, giá nhân công Việt Nam rẻ hơn khoảng hai phần ba.
Thị trường phần mềm và các sản phẩm về nội dung của Việt Nam có quy mô 2,4 tỷ USD năm 2013. Bên cạnh đó, theo cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2012, Việt Nam có dân số trẻ với 70% thuộc độ tuổi 15-64. Hà Nội và TP HCM cũng thuộc top 10 thành phố mới nổi có hạ tầng Internet phát triển nhất. Vì vậy, nhu cầu các sản phẩm công nghệ và Internet tại Việt Nam cũng rất mạnh.
Ông Trương Gia Bình cũng có cuộc phỏng vấn trên Wall Street Journal về tiềm năng phát triển của FPT.
- Vị thế của FPT tại Việt Nam cũng như các nước có ngành công nghệ phát triển như thế nào thưa ông?
- FPT là hãng công nghệ và nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất Việt Nam, sau Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel Telecom).
Là hãng công nghệ hàng đầu Việt Nam với doanh thu tăng 25% mỗi năm trong thập kỷ qua, lợi nhuận từ hoạt động cho thuê nhân lực cũng tăng hơn 31% mỗi năm trong cùng kỳ, FPT đang có tiềm năng tăng trưởng lớn, đặc biệt tại các thị trường phát triển như Nhật Bản hay Mỹ.
Năm ngoái là lần đầu tiên, mảng kinh doanh và xuất khẩu phần mềm của FPT cán mốc 100 triệu USD doanh thu. Trong đó, Nhật Bản đóng góp 52%, Mỹ 27% và các nước châu Á - Thái Bình Dương là 12%.
Việt Nam hiện có 12% thị phần cho thuê nhân lực công nghệ tại Nhật Bản, sau Trung Quốc. Doanh thu FPT tăng 32% tại Nhật Bản năm ngoái, với 130 khách hàng tổ chức tại nước này.
Mỹ hiện là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của chúng tôi với 62% năm 2013. Chúng tôi vào thị trường này năm 2000 và hiện có 5 văn phòng tại đây. FPT đã thiết lập quan hệ với IBM, Microsoft, SAP, Oracle, Cisco, Apple và có hơn 40 khách hàng tại Mỹ, chủ yếu thuộc Fortune 500 (500 doanh nghiệp lớn nhất nước).
Các khách hàng toàn cầu của chúng tôi còn có Monsanto, Citigroup, Freescale, Hitachi, Panasonic, Toshiba, Fujitsu...
- FPT đang phải đối mặt với những thách thức gì? Và làm thế nào để vượt qua?
- Việt Nam hiện có 30,6 triệu người dùng Internet và 148 triệu thuê bao di động. Vì vậy, nhu cầu dịch vụ tin học đang tăng rất nhanh những năm gần đây.
Trong các nước mới nổi, Việt Nam đã có tiếng tăm về phát triển công nghệ thông tin, nhờ tập trung vào giáo dục. Trong nước hiện có 277 trường đại học và cao đẳng đào tạo công nghệ thông tin với 59.000 sinh viên. Tuy nhiên, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo tay nghề cho nhân viên, đặc biệt là ngoại ngữ.
Để giải quyết vấn đề này, Đại học FPT đã mở rộng các chuyên ngành và hiện là trường đào tạo công nghệ lớn nhất nước với 16.000 sinh viên sẽ tốt nghiệp với khả năng sử dụng ít nhất một ngoại ngữ. Nhiều sinh viên muốn trở thành kỹ sư tin học do có triển vọng nghề nghiệp ổn định.
Cuộc đua trở thành nơi cung cấp lao động ngành công nghệ giữa các nước mới nổi được dự đoán còn kéo dài nhiều năm nữa. Và để cạnh tranh trong cuộc đua này, các công ty Việt Nam cần phải có sự phối hợp nhằm cải thiện chất lượng nhân lực.
- Tháng trước, trò chơi trên di động – Flappy Bird đã gây sốt trên toàn thế giới. Việc này có giúp nâng cao danh tiếng cho Việt Nam hay không?
- Sự nổi tiếng của Flappy Bird chắc chắn sẽ tạo động lực cho giới trẻ Việt Nam theo đuổi nghiệp công nghệ thông tin để thành công và giàu có.
Nó cũng sẽ cho thế giới biết rằng Việt Nam cũng có những người trẻ tài giỏi, sáng tạo, chứ không chỉ có có lao động giá rẻ. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm công nghệ hấp dẫn với cộng đồng quốc tế.
Hà Thu