Trước thềm năm mới 2016, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần FPT (Mã CK: FPT) đã có những chia sẻ với VnExpress xung quanh những việc đã làm được trong năm 2015 và định hướng phát triển của toàn tập đoàn trong năm tới.
- Ông đánh giá như thế nào về năm 2015 với tập đoàn FPT?
- Đến lúc này, có thể nói chúng tôi sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2015. Doanh thu tiếp tục tăng trưởng cao và theo kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng hai chữ số như trước.
Khối viễn thông tiếp tục đóng góp lợi nhuận lớn nhất cho tập đoàn và có những cơ hội kinh doanh mới tại thị trường nước ngoài. FPT là doanh nghiệp ngoại đầu tiên được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar. Với giấy phép này, chúng tôi được phép triển khai hạ tầng tuyến trục quốc gia, cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông cố định và các dịch vụ giá trị gia tăng khác tại thị trường này.
Ở lĩnh vực phát triển phần mềm, mảng thị trường trong nước đã có những dấu hiệu tích cực, trong khi thị trường nước ngoài tiếp tục tăng trưởng cao. Trong lĩnh vực bán lẻ, FPT đã vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra chỉ sau 10 tháng đầu năm. Định hướng toàn cầu hóa cũng tiếp tục duy trì kết quả khả quan với doanh thu 11 tháng đạt 4.154 tỷ đồng (tương đương 189 triệu USD), tăng 35%.
- Với kết quả đạt được trong năm 2015, ông đề ra mục tiêu gì cho năm 2016 của FPT?
- Năm 2016 và các năm tiếp theo được coi là những năm điểm ngoặt của FPT, do đó, thông điệp chúng tôi đặt ra cho năm 2016 là đổi mới để tăng trưởng. FPT sẽ liên tục cải tiến mô hình kinh doanh để nắm bắt tốt nhất các cơ hội mới từ thị trường trong nước và nước ngoài. Cụ thể, mô hình kinh doanh sẽ chuyển dịch mạnh hơn nữa từ thương mại sang thực hiện các dịch vụ thuê ngoài theo hình thức công – tư (PPP) cho Chính phủ Việt Nam và một số thị trường mới như Myanmar, Bangladesh; chuyển từ cung cấp dịch vụ theo hợp đồng xác định theo thời gian (man-month) sang hợp đồng trọn gói hay có giá cố định (fixed-price)...
Chúng tôi cũng sẽ tập trung mạnh mẽ hơn nữa vào việc nghiên cứu, phát triển các giải pháp, dịch vụ theo xu hướng công nghệ S.M.A.C, IoT, Robotic cũng như ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ này vào trong tất cả các hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
Với mục tiêu một tỷ USD doanh thu từ thị trường toàn cầu vào năm 2020, FPT cũng phải đổi mới mô hình tổ chức theo hướng của các tập đoàn toàn cầu. Trong đó, trọng tâm là nâng cấp các tổ chức ở nước ngoài từ văn phòng chuyên bán sản phẩm, dịch vụ sang công ty có đầy đủ chức năng như một công ty bản địa để nâng cao sự hài lòng của khách hàng.
Tập đoàn cũng tập trung vào nâng cao đẳng cấp công nghệ để sánh cùng các tập đoàn lớn trên thế giới, bước cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng. Ở nước ngoài, FPT đã hợp tác với nhiều khách hàng đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất ôtô, giải trí, phân phối. FPT đã cung cấp giải pháp điều khiển tivi bằng giọng nói cho một hãng truyền hình lớn, góp phần thay đổi cách xem truyền hình của 42 triệu hộ gia đình châu Mỹ.
Mảng thị trường trong nước đã có những dấu hiệu tích cực, trong đó FPT là doanh nghiệp khởi xướng thực hiện các dự án thuê ngoài công nghệ thông tin trong lĩnh vực giao thông, y tế như hệ thống bán vé điện tử cho ngành đường sắt, thí điểm hệ thống camera giám sát giao thông trên cao tốc, bảo hiểm y tế.
Giáo dục đào tạo sẽ hướng đến mô hình đào tạo những sinh viên ra trường làm được việc. Tương lai là mỗi học sinh, sinh viên đều có người hướng dẫn giàu kinh nghiệm thực tiễn, khởi đầu như mô hình FUNiX.
FPT cũng đổi mới mô hình từ đóng sang mở. FPT ấp ủ dự án chia sẻ hạ tầng công nghệ để cộng đồng công nghệ sử dụng, qua đó phát huy các ý tưởng sáng tạo, góp phần thổi bùng tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, vì sức mạnh Việt Nam..
Chúng tôi sẽ đưa ra hình thức đầu tư mạo hiểm mới. Số tiền đầu tư có thể không cao, chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đôla Mỹ mỗi dự án. Nhưng thay vì một vài doanh nghiệp khởi nghiệp, sẽ có hàng trăm doanh nghiệp được đưa vào lò gia tốc, có huấn luyện viên để khởi nghiệp thành công.
- Sau khi đổi mới như vậy, FPT sẽ phát triển như thế nào?
- FPT phải liên tục tăng trưởng với tốc độ hai chữ số. Năm 2015, lợi nhuận của FPT đã quay lại quỹ đạo tăng trưởng hai con số, tôi kỳ vọng trong năm 2016, sẽ tiếp tục trụ vững ở quỹ đạo này.
Sau khi đã hiện diện ở 19 quốc gia trên thế giới, năm tới, chúng tôi sẽ phát triển các thị trường nước ngoài theo chiều sâu, tiếp tục đổi mới thị trường trong nước thông qua các dự án trong các lĩnh vực hạ tầng trọng yếu quốc gia như giao thông thông minh, y tế thông minh, chính phủ điện tử...
- Tại sao lại có thông điệp đổi mới ở FPT trong giai đoạn tới, thưa ông? Là vị thuyền trưởng “đứng mũi chịu sào”, ông sẽ làm gì và chịu trách nhiệm gì cho những thay đổi này?
- FPT từ trước đến nay luôn là đội quân tiên phong trong đổi mới. Nay chúng tôi không đặt ở tầm Việt Nam mà phải vươn lên trở thành tập đoàn toàn cầu. Mà muốn vươn lên thì phải đổi mới. Năm 2015 sẽ đánh dấu sự tăng trưởng trở lại của FPT ở mức hai con số về lợi nhuận và đây là tiền đề để FPT tiếp tục đổi mới để đạt được các mốc tăng trưởng thách thức hơn trong tương lai.
Tôi đang trực tiếp chịu trách nhiệm về chiến lược phát triển với trọng tâm đổi mới. Trước hết là nâng cấp các chi nhánh FPT tại nước ngoài; mở rộng hoạt động kinh doanh từ thương mại sang đầu tư theo hình thức PPP cho một số thị trường… Cùng chung quyết tâm thực hiện mục tiêu này có ban điều hành FPT và các đơn vị thành viên đặc biệt là hơn 25.000 cán bộ nhân viên FPT đang không ngừng nỗ lực làm việc tại 19 quốc gia trên toàn cầu.
- Đẩy mạnh đổi mới trong bối cảnh Việt Nam trở thành điểm sáng khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do, theo ông cơ hội và thách thức với FPT nói riêng và doanh nghiệp Việt nói chung trên bước đường tham gia sân chơi toàn cầu sẽ như thế nào?
- Mở cửa chính là con đường đi lên của đất nước. Chúng ta nói đến Cộng đồng kinh tế ASEAN, nghĩa là kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam có thể làm ở Malaysia, Singapore, Indonesia... Điều này đồng nghĩa với việc sự lựa chọn cho các kỹ sư Việt Nam lớn hơn, nhưng đồng thời đó cũng là thách thức, thiếu hụt kỹ sư tài năng trong nước.
Nhân tài của Việt Nam có làm ở Việt Nam hay họ sẽ ra nước ngoài làm việc, đó là thách thức buộc doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn nữa,với nâng suất lao động ngày càng tăng.
- Là người sáng lập ra quỹ FPT Ventures tài trợ cho các dự án khởi nghiệp, ông muốn truyền thông điệp gì cho các cá nhân làm start-up?
- Khởi nghiệp của Việt Nam phải tăng trưởng gấp 10 lần hiện tại để sánh vai với các nước láng giềng. Khởi nghiệp là vấn đề văn hóa. Các bạn trẻ phải tự tin, có tầm nhìn toàn cầu và hành động quyết liệt. Tôi chỉ muốn nhắn một câu thôi: “Hành động! Hành động! Hành động!”. Các bạn trẻ hãy cứ ước mơ, hãy cứ kiếm con đường đến ước mơ ấy, và khi tìm được rồi thì hãy làm thật thấu đáo.
Các tấm gương khởi nghiệp thành công như Nguyễn Hà Đông đã cho thấy may mắn và thành công chỉ dành cho những người liên tục tìm kiếm con đường đi riêng cho chính mình. Đó cũng là những phẩm chất cần có cho một doanh nhân trong thời đại ngày nay. Đó là đam mê, sáng tạo và chu đáo.
- Trong bối cảnh FPT đặt mục tiêu tăng trưởng và được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Cảm nghĩ của ông như thế nào?
- Điều này khẳng định FPT đang đi đúng hướng. Các nhà đầu tư luôn mong muốn lợi nhuận nên để được lợi, họ cũng phải tạo động lực cho doanh nghiệp hưng phấn, có điều kiện để phát triển.
- Ông kỳ vọng như thế nào về năm 2016?
- Hiện nay, Việt Nam chưa có vị thế xứng đáng để cung ứng cho các tập đoàn hàng đầu thế giới về dịch vụ công nghệ thông tin. Trong khi đó, trên thế giới hiện có xu hướng India +1, China +1. Tôi mong muốn Việt Nam lọt vào danh sách cộng một đó. FPT cũng phải nhanh chóng bước tiếp mục tiêu trở thành tập đoàn toàn cầu, đi đầu trong công nghệ mới.
Cá nhân tôi vừa phấn khích với những đổi mới đang diễn ra và đích tập đoàn toàn cầu ngày một gần hơn, nhưng cùng với đó là những thách thức vô cùng lớn. Bài toán FPT đang giải là làm thế nào một công ty công nghệ của một quốc gia vừa thoát nghèo, mà lại cung ứng các sản phẩm dịch vụ công nghệ cao cho các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Song chúng tôi hiểu thách thức đó và quyết chí vượt qua.
Tôi có một niềm tin rằng sức mạnh đến từ việc phát huy tối đa được tiềm lực của mỗi người trong tổ chức vì một mục tiêu chung. Nếu có yếu tố đó, tôi tin không có trở ngại nào cản trở được bước tiến của FPT. Suy rộng ra, Việt Nam cũng sẽ hưng thịnh khi mỗi người dân, mỗi tổ chức đều có ý chí vươn lên và có tinh thần đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.
- 10 năm sau lần đầu tiên ông là người giàu nhất sàn chứng khoán. Ông suy nghĩ như thế nào về việc này?
- Vấn đề này không phải quá quan trọng với tôi, mà điều quan trọng là bản thân phải luôn nuôi dưỡng một niềm đam mê cho sáng tạo, cho đổi mới. Dẫu rằng cùng với thời gian, áp lực của công việc ngày càng lớn vì quy mô tập đoàn ngày càng phát triển. Ví dụ như trước đây, tôi chỉ phải đi bán hàng trong nước, song nay đã phải đi bán hàng khắp thế giới. Tuy nhiên, bản thân tôi luôn giữ vững ý chí phải vươn lên để vượt qua, không phải cho cá nhân mà cho tổ chức, cho đất nước mình.
Phương Linh