Sáng 15/4, Diễn đàn Kinh tế TP HCM (HEF) năm 2022 diễn ra với sự tham gia của hơn 900 đại biểu trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại diễn đàn, trong vai trò Trưởng ban Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), ông Trương Gia Bình - gợi mở vấn đề: "Nếu có quyền được chọn tương lai, tại sao chúng ta không chọn TP HCM như viên ngọc xanh trong một thế giới mới?".
Lãnh đạo Tập đoàn FPT cho rằng, khi chuyển đổi số thành công, TP HCM không chỉ là nơi tốt nhất để sống, để làm việc trên nền tảng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số - mô hình phổ biến nhiều thành phố đang thực hiện, mà còn có tiềm năng trở thành "viên ngọc lấp lánh" những công nghệ mới nhất như AI, IoT, Metaverse.
"Khi đó, TP HCM sẽ vang danh là thành phố xây dựng các thành phố thông minh khác, chuyên kiến tạo các thế giới mới", ông Bình kỳ vọng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông cho rằng tất cả trường đại học, cao đẳng và kể cả phổ thông của TP HCM sẽ đưa vào chương trình giảng dạy những môn liên quan đến công nghệ mới (AI, IoT, Metaverse). Từ nền tảng kiến thức này, thành phố sẽ tạo nên nguồn nhân lực phần mềm dồi dào, hệ sinh thái startup lớn nhất trong các thành phố lớn trên thế giới.
"Với hàng triệu người nắm vững công nghệ thông tin, nhận thức về tương lai, chúng ta hoàn toàn có cơ sở tạo ra các công ty khởi nghiệp giá trị cao. Riêng trường ĐH FPT đã có hai bạn trẻ lập ra hai kỳ lân, một là Axie Infinity - giá trị khoảng 17 tỷ USD; hai là Coin98 trị giá 1,7 tỷ USD", Chủ tịch FPT nêu ví dụ.
Niềm tin của ông Trương Gia Bình còn đến từ sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghệ Việt. Ông dẫn chứng Việt Nam đứng số một về xu hướng game di động hyper casual (siêu tối giản); tương quan về lượng so với các nước tiên tiến như có một triệu lập trình viên còn Nhật Bản là 1,3 triệu. Trên bảng xếp hạng thế giới, Việt Nam đứng số hai xuất khẩu phần mềm, top 10 đào tạo kỹ sư phần mềm.
"Từng có kinh nghiệm đi nhiều nước, tôi thấy Việt Nam là quốc gia quyết liệt nhất về chuyển đổi số, khắp tỉnh thành đều nói về chủ đề này và đang hành động", ông Bình nói:
Trong đó, TP HCM là "ngọn cờ" công nghệ thông tin của cả nước với lực lượng lao động và đào tạo lớn nhất; kho dữ liệu tốt nhất. Đi đầu về giao thông thông minh, y tế thông minh, TP HCM còn được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp số một trong 10 thành phố năng động nhất thế giới.
20 năm trước, chính quyền thành phố họp hàng tuần để thúc đẩy xây dựng khu công nghệ phần mềm Quang Trung. Ngày nay, riêng Quang Trung đã trở thành trung tâm kinh tế lớn, có thể lớn ngang ngửa nhiều quận huyện. Từ thực tế này, ông Bình đặt vấn đề: tại sao không lại một lần nữa xây dựng mô hình này theo công thức mới "Living in Laboratory". Lúc này, thành phố chính là "phòng thí nghiệm", đưa những đổi mới đến với cuộc sống của người dân TP HCM.
Trước đây chúng ta nói về Internet thì ngày nay là Metaverse, Web3. Và TP HCM là chính là nơi đi đầu, tiên phong trên thế giới", người đứng đầu tập đoàn FPT khẳng định.
Yếu tố quan trọng không kém là thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Song song, khi nói về ước mơ, khát vọng, người đứng đầu FPT cũng khẳng định phải nói về KPI theo thời gian; kinh phí từ ngân sách, sự đóng góp cộng đồng...
"Quan trọng hơn tất cả đất, tiền, nhân tài là cơ chế. Muốn làm như vậy, chúng ta phải xây dựng cơ chế đặc biệt cho thế giới mới đó, như cách chính quyền TP HCM cấp phép ĐH FPT nhiều năm trước. Từ đó có hai kỳ lân, hàng chục tỷ phú đã ra đời", ông Bình kết luận.
Cuối phần trình bày, ông đề nghị TP HCM dành ngân sách cho chuyển đổi số không dưới 2%.
Diễn Kinh tế TP HCM 2022 (HEF 2022) diễn ra vào ngày 15/4 với chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP HCM trong tương lai". Diễn đàn tạo cơ hội trao đổi về chuyển đổi số và kinh tế số nhằm nâng cao nhận thức; tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số, giúp doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới...
Tại sự kiện, ngoài hai phiên tham luận của ông Trương Gia Bình, FPT giới thiệu một số công nghệ nổi bật. Đơn cử mô hình Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế quận 7.
Cuối tháng 9/2021, với sự phối hợp giữa 200 kỹ sư và Ủy ban nhân dân quận 7, chỉ trong 10 ngày làm việc, mô hình đã đi vào vận hành, hỗ trợ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận 7 và chính quyền địa phương giảm thiểu số ca tử vong vì Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội; phục hồi và thúc đẩy kinh tế.
Trong giai đoạn 2022-2023, FPT tiếp tục cải tiến nhằm đưa trung tâm trở thành giải pháp chính quyền điện tử và đô thị thông minh xuyên suốt cho quận, thông qua hai ứng dụng Công chức Trực tuyến và quận 7 trực tuyến.
Một sản phẩm khác hỗ trợ đắc lực công tác chống dịch trong năm qua cũng xuất hiện tại gian triển lãm - Trợ lý ảo tổng đài FPT.AI. Độ chính xác trong các các tác vụ đàm thoại hai chiều lên đến 92%, tối ưu chi phí vận hành đến 60%. Đợt dịch cao điểm tháng 6 và 7/2021 tại Bắc Giang, chỉ trong một ngày, chatbot đã thực hiện 120.000 cuộc gọi để truy vết, sàng lọc các ca bệnh. Số cuộc gọi này nếu để nhân viên y tế làm thì phải mất 60 ngày.
Ngoài ra, các sản phẩm ứng dụng công nghệ AI khác như: FPT.AI Reader - trích xuất thông tin từ hình ảnh, eKYC - định danh khách hàng điện tử cũng được trình diễn. FPT cũng giới thiệu tại triển lãm giải pháp nhà thông minh FPT Smart Home - giải pháp này giúp hàng chục triệu người dân Việt Nam hòa nhịp lối sống công nghệ dễ dàng.
Minh Tú