Trong một thế giới phẳng, doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội vươn ra thị trường toàn cầu. Sau Nhật Bản, Mỹ đang là một mục tiêu được nhiều đơn vị nhắm đến. Chủ tịch Tập đoàn FPT - Trương Gia Bình, hiện cũng là Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) trao đổi với VnExpress về cơ hội này.
- Trong những năm gần đây, bên cạnh việc khai thác thị trường Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã có những động thái đẩy mạnh kinh doanh tại Mỹ. Ông nhận định như thế nào về cơ hội ở thị trường này?
- Mỹ là thị trường có mức chi cho dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất toàn cầu. Theo dự báo của Gartner, trong giai đoạn 2015-2017, tổng chi cho dịch vụ công nghệ thông tin của Mỹ đạt khoảng 1.286 tỷ USD, gấp gần 2,5 lần so với con số tổng của khu vực châu Á Thái Bình Dương gồm Australia, Nhật Bản, Newzeland, Singapore, Hàn Quốc. Có thể thấy cơ hội cho doanh nghiệp nói chung và Việt Nam nói riêng tại Mỹ là rất lớn.
Trước đây, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam vào thị trường Mỹ đơn thuần theo cách khách hàng thuê gì làm nấy và chủ yếu tham gia vào những công đoạn có giá trị thấp. Tuy nhiên, hiện đã có những doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng từ A-Z, tức là từ khâu tư vấn, thiết kế đến triển khai và bảo trì. Ngoài ra, có những dịch vụ, giải pháp của Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ di động (Mobility) được những tên tuổi lớn trong lĩnh vực hàng không, truyền hình vệ tinh, tự động hóa của Mỹ đưa vào sử dụng.
Việt Nam cũng đã có được sản phẩm làm thay đổi cách xem tivi của 27 triệu người dùng Mỹ và khoảng 15 triệu người ở châu Mỹ Latinh… Có những doanh nghiệp đang có cơ hội mở rộng quy mô dự án và yêu cầu số lượng nhân lực từ hàng chục lên con số hàng trăm người từ các đối tác lớn tại thị trường Mỹ.
- Cơ hội là vậy, nhưng theo ông các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam liệu có thể cạnh tranh được với các đối thủ trên đất Mỹ?
- Khi tham gia vào những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ cũng có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các tên tuổi lớn trong lĩnh vực ủy thác dịch vụ phần mềm (Software Outsourcing), đặc biệt là Ấn Độ. Nếu không thắng trong cuộc cạnh tranh này, không tham gia được vào chuỗi giá trị công nghệ cùng các đại gia sừng sỏ thì các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam khó có cơ hội thực hiện được Giấc mơ Mỹ.
- FPT mở văn phòng tại Mỹ từ tháng 1/2000, sau 15 năm, ông nhận thấy môi trường kinh doanh ở Mỹ có điểm gì khác biệt?
- Điểm khác biệt lớn nhất ở Mỹ là rủi ro pháp lý, họ có một đội ngũ luật sư rất đông đảo nên vấn đề gì cũng có thể đưa ra kiện tụng. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam khi sang đây cần chú ý và tìm chọn cho mình những luật sư địa phương để tư vấn, đặc biệt trong lĩnh vực thương thảo hợp đồng và thuê lao động địa phương. Nếu làm khéo, chi phí thuê luật sư sẽ không đáng kể và doanh nghiệp cũng tránh phải những sự việc đáng tiếc.
- Vậy doanh nghiệp Việt Nam nên lưu ý những điểm gì để thành công?
- Nguyên lý thành công ở Mỹ là doanh nghiệp phải tạo ra sự khác biệt dựa trên những lợi thế sẵn có. Theo đánh giá của Gartner, Việt Nam là một trong những lựa chọn cạnh tranh nhất trên thế giới về gia công phần mềm, so với Ấn Độ, chi phí nhân công Việt Nam chỉ bằng một nửa. Sự phát triển của các xu hướng công nghệ mới cũng tạo cho doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cơ hội đứng cùng vạch xuất phát với các công ty công nghệ tên tuối trên thế giới. Ngoài ra, tính ổn định nhân sự của doanh nghiệp Việt Nam cũng cao hơn các quốc gia khác. Đây là những lợi thế sẵn có của doanh nghiệp Việt Nam. Mỗi doanh nghiệp có cách riêng để tạo ra sự khác biệt dựa trên những lợi thế này.
Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp là lính mới muốn có cơ hội để kiếm các hợp đồng triệu đôla thì cách làm hiệu quả nhất là tìm mọi cách để tiếp cận người đứng đầu doanh nghiệp Mỹ, có thể thông qua những hội nghị, hội thảo quốc tế hay chính những Việt kiều phụ trách IT của các công ty Mỹ. Sau đó, lôi kéo bằng được đối tác sang Việt Nam để cho thấy cơ hội hợp tác lâu dài.
Đặc biệt, phải biết trình bày ngắn gọn, thuyết phục người Mỹ về lợi ích có thể mang lại cho họ khi chọn doanh nghiệp mình.
- Với riêng FPT, công ty đã đạt được những kết quả gì trên đất Mỹ?
Sau khi mở văn phòng đầu tiên vào năm 2000, đến nay, FPT đã có 5 văn phòng tại Mỹ. Tập đoàn ước tính năm nay doanh số từ thị trường này gần 40 triệu USD, tăng 39% so với năm 2013, đóng góp đáng kể vào doanh thu từ toàn cầu hóa. Dự kiến đến năm 2016, con số này sẽ tăng lên 100 triệu USD.
- Năm qua, trò chơi Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông đã trở thành hiện tượng của ngành công nghệ thông tin toàn cầu. Câu chuyện này sẽ ảnh hưởng thế nào đến vị thế của kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam trên bản đồ thế giới?
- Sự thành công của Hà Đông đã mở ra một cơ hội mới trong xuất khẩu trí tuệ Việt Nam, nghĩa là chúng ta không chỉ có con đường tiếp cận khách hàng toàn cầu thông qua việc bán dịch vụ mà còn con đường khác là phát triển sản phẩm và đưa chúng lên kho ứng dụng. Theo tôi, câu chuyện của Hà Đông là mới bắt đầu, cơ hội cho thanh niên Việt Nam vẫn còn rất lớn, hàng trăm, hàng nghìn kỹ sư công nghệ thông tin, lập trình viên Việt Nam sẽ có cơ hội thay đổi cuộc đời của mình.
- Song hành với việc doanh nghiệp Việt tiến vào thị trường Mỹ, cơ hội cho các kỹ sư công nghệ thông tin tại đây được đánh giá ra sao, thưa ông?
- Mỹ đang rất thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin bởi đây không phải là ngành hot với những thanh niên ở quốc gia này. Do đó, kỹ sư Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm công việc tại đây, trực tiếp tham gia thiết kế các giải pháp, dịch vụ cho các đại gia lớn trong danh sách Fortune 500, được tôi luyện trong môi trường công nghệ thế giới để trở thành một chuyên gia toàn cầu và trải nghiệm một cuộc sống mới với mức thu nhập tốt hơn.
Để có cơ hội này, các kỹ sư Việt Nam cần cải thiện trình độ ngoại ngữ và nâng cao năng lực phỏng vấn. Tuy nhiên, với khả năng học hỏi nhanh các công nghệ mới và khả năng sáng tạo tốt, kỹ sư Việt Nam hãy tự tin và dấn thân trên con đường toàn cầu hóa.
Phương Linh