Ngày 6/7 vừa qua, Tập đoàn FPT trở thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cấp phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông, tạo cơ sở cho việc phát triển dịch vụ internet tại đây. VnExpress đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch tập đoàn - ông Trương Gia Bình về quá trình sở hữu giấy phép và kế hoạch triển khai trong thời gian tới.
- Vừa trở thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên giành được giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông, FPT nhận định như thế nào về thị trường này?
- Myanmar vốn là đất nước thịnh vượng hàng đầu Đông Nam Á nhưng việc bị cấm vận kinh tế nhiều năm đã khiến hạ tầng viễn thông nước này hầu như không có gì. Đường truyền internet chậm đến mức doanh nghiệp không thể trao đổi công việc qua skype, email hay gửi - rút tiền online... Chi phí dịch vụ internet tại Myanmar cũng vô cùng đắt đỏ, cao gấp hàng chục thậm chí cả trăm lần so với Việt Nam. Chẳng hạn, giá dịch vụ ADSL mỗi tháng của các nhà cung cấp địa phương như MPT trung bình khoảng 30 USD/Mbps, YTP khoảng 100 USD/Mbps, chưa kể tiền triển khai. Trong khi đó, giá internet tại Việt Nam chỉ khoảng 1-2 USD/Mbps một tháng.
Song, một Myanmar sơ khai lại cho chúng tôi thấy đây chính là cơ hội hiếm hoi để FPT có thể lặp lại lịch sử. Việt Nam cũng từng bị cấm vận và trải qua thời kỳ chưa có internet, mobile phone, nhưng ngày nay mọi thứ hoàn toàn thay đổi. FPT hiện có 3 lĩnh vực đóng góp tốt nhất cho Việt Nam là hạ tầng internet, đào tạo nguồn nhân lực và đem công việc từ nước ngoài về Việt Nam. Chúng tôi muốn làm những điều tương tự cho Myanmar.
- Ông có thể chia sẻ về quá trình FPT giành được giấy phép này?
- Sau nhiều chuyến khảo sát thị trường, năm 2013, chúng tôi quyết định lập công ty con tại Myanmar. Với mong muốn cung cấp dịch vụ viễn thông cho người dân Myanmar, FPT đã tiến hành tìm hiểu quy định, luật lệ và tìm kiếm các cơ hội phát triển viễn thông tại thị trường này.
Nhờ vậy, vào tháng 11/2014, một tháng sau khi chính phủ Myanmar ban hành thông tư hướng dẫn cấp phép viễn thông, FPT đã có thể nộp đơn xin giấy phép triển khai hạ tầng viễn thông tại đây.
- Trong quá trình xin giấy phép, FPT cảm thấy giai đoạn nào khó khăn nhất?
- Myanmar là một thị trường mới, các văn bản pháp luật, thủ tục đầu tư còn chưa hoàn thiện nên FPT phải mất khá nhiều thời gian để xin được giấy phép này, từ khâu nộp, hoàn thiện cho đến phê duyệt hồ sơ. Song với sự theo đuổi kiên trì và quyết liệt của đội dự án, FPT đã được bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Myanmar tin tưởng và lựa chọn.
Với việc từng trải qua các tình huống như hồi Việt Nam mới mở cửa, chúng tôi đã thích ứng để vượt qua khó khăn ban đầu trên đất nước bạn. Bên cạnh đó, FPT cũng đã tận dụng tất cả các cơ hội được tiếp xúc với Chính phủ Myanmar, chẳng hạn như Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, để chia sẻ về dự định và những giá trị mà tập đoàn mong muốn đem lại cho đất nước và người dân bạn.
- Sau khi có được giấy phép viễn thông, lộ trình sắp tới của FPT tại Myanmar sẽ như thế nào, thưa ông?
- Tháng 8 tới, FPT sẽ cử đoàn tiền trạm bao gồm các lãnh đạo cấp cao sang Myanmar để vạch ra kế hoạch đầu tư chi tiết. Theo dự tính, ban đầu chúng tôi sẽ làm cáp quang, cung cấp băng thông rộng tới các thành phố lớn bởi hạng mục này phía Myanmar đã có luật hướng dẫn. Sau đó là một loạt các dịch vụ gia tăng khác như truyền hình internet (IPTV), game online, báo điện tử,..
- Nhiều doanh nghiệp ý kiến cho rằng thâm nhập thị trường viễn thông Myanmar rất khó bởi doanh nghiệp trong nước vẫn đang độc chiếm… Ông có chiến lược gì để cạnh tranh với các doanh nghiệp nội địa tại đây?
- Điểm mạnh của FPT là kinh nghiệm. Khi gặp những đối tác, chúng tôi thuyết phục rằng tuy là nhà đầu tư nước ngoài nhưng nhờ kinh nghiệm thành công tại nhiều thị trường tương tự như Lào, Campuchia, Việt Nam, tập đoàn hoàn toàn thấu hiểu những điều thị trường nội địa cần.
- Trên bản đồ toàn cầu hóa của FPT hiện nay đã có 19 quốc gia, xin ông chia sẻ về vị trí của thị trường Myanmar sau sự kiện này?
- Chúng tôi nhận thấy Myanmar là cơ hội hiếm hoi còn sót lại để tập đoàn có thể mang tất cả những gì đã triển khai thành công tại Việt Nam đến áp dụng, từ internet, phân phối, làm phần mềm đến đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Trong thời gian tới, thị trường viễn thông Myanmar được dự báo ngày càng sôi động bởi hiện nay tỷ lệ người được tiếp cận internet trên khoảng 56 triệu dân vẫn còn rất thấp. Với giấy phép được nhận, FPT sẽ có cơ hội lớn ở thị trường này.
- Hiện nay có một làn sóng doanh nghiệp Việt sang Myanmar tìm kiếm cơ hội làm ăn, xin ông chia sẻ về những kinh nghiệm để có thể phát triển tại thị trường này?
- Người Myanmar rất giống người Việt Nam, đó là tính tự tôn dân tộc rất cao. Nói cách khác, có ranh giới rõ ràng giữa người trong nước và người nước ngoài. Bên cạnh đó, môi trường luật pháp và chính trị của Myanmar cũng chưa ổn định. Đây đều là những điểm doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức lưu ý.
Tuy nhiên, bất cứ nơi đâu cũng vậy, muốn đến được với họ và làm ăn lâu dài thì bạn phải cho thấy sự chân thành của mình. Do đó, muốn thành công, theo tôi là cần phải đi trước, đi mạnh mẽ và phải tạo ra chân giá trị cho quốc gia bạn đến.
Phương Linh