Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ cùng VnExpress về vai trò của các doanh nghiệp tư nhân.
- Là thế hệ doanh nhân F1 của Việt Nam, ông nghĩ thế nào về vai trò của các doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn hiện nay?
- Tôi cũng như nhiều doanh nhân khác mang trong mình khát vọng giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển, hội nhập thế giới. Để làm được điều đó, chúng ta cần biến khát vọng này thành mong mỏi chung của từng người dân, doanh nghiệp.
- Vậy theo ông con đường nào có thể giúp hiện thực hóa mục tiêu này?
- Theo tôi, các doanh nghiệp cần có thêm cơ hội thể hiện năng lực, ý chí. Tại cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045" vừa qua, tôi cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn có thể liên minh, chung tay giải quyết những "bài toán lớn của quốc gia".
Chẳng hạn câu chuyện xử lý tình trạng quá tải của Sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Với sự phối hợp từ HoSE, FPT đã nỗ lực triển khai hệ thống giao dịch mới trong vòng 100 ngày và đưa vào sử dụng đúng thời hạn cam kết.
- Vì sao nhiều người bất ngờ và nghĩ rằng "bất khả thi" khi ông đưa ra thời hạn 100 ngày xử lý sự cố quá tải sàn HoSE?
- Trước hết, mọi người bất ngờ vì đây là một bài toán khó. Thị trường chứng khoán được xem như "phong vũ biểu" của nền kinh tế. Bài toán kỹ thuật của HoSE không chỉ là nỗi bức xúc của nhà đầu tư, công ty chứng khoán, hay câu chuyện ách tắc dòng chảy vốn... mà còn phần nào tác động uy tín Việt Nam đối với các tổ chức, nhà đầu tư toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư.
Có ba điểm cốt yếu nhất của bài toán này. Một là phải nâng ngưỡng chịu đựng của hệ thống từ con số 900.000 lệnh một ngày lên gấp ba lần, tương đương khoảng 3-5 triệu lệnh. Nhưng đây không phải là ngưỡng cuối cùng, phải sẵn sàng mọi kịch bản cho khả năng vượt ngưỡng.
Hai là phải kết nối, liên kết với tất cả hệ thống hiện có của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Và ba là không được "chọc" vào hệ thống hiện có của các công ty chứng khoán.
Tiếp đến là năng lực của FPT. Hầu hết giải pháp lõi và tổng thể của lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán đều có sự tham gia của chúng tôi. Từ các giải pháp cho Sở giao dịch và Trung tâm Lưu ký chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đến các giải pháp, ứng dụng cho các công ty chứng khoán.
Mốc 100 ngày là một quyết định được tính toán kỹ lưỡng. Chúng tôi đã xác nhận khối lượng công việc và điều quan trọng nhất là tính đáp ứng của hệ thống. Việc phát triển hệ thống nếu làm gấp rút chỉ cần một tháng nhưng để kiểm thử trên thực tế thì cần nhiều thời gian hơn, nên chúng tôi dành 2 tháng để kiểm thử. Cũng rất may là thời gian đó vừa đủ để khai trương hệ thống vào ngày 5/7 đúng như cam kết và giải quyết được cả ba vấn đề trọng yếu trên.
- Sau thành công nhiệm vụ xử lý sự cố quá tải sàn HoSE, kế hoạch của FPT sắp tới là gì?
- Từ câu chuyện tại doanh nghiệp mình, tôi nhận thấy khối kinh tế tư nhân cần có thêm nhiều cơ hội phát huy vai trò, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, kinh tế đất nước. Các doanh nghiệp Việt có thể làm tốt khi được giao phó và tin tưởng.
Cộng đồng doanh nghiệp cần được tạo điều kiện thuận lợi ở mọi loại hình, quy mô và lĩnh vực để có thể hỗ trợ giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội. Từ đó tận dụng tốt cơ hội, hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
FPT được sinh ra nhờ chính sách đổi mới, 30 năm qua đã "lớn lên" cùng với sự phát triển của đất nước. Đã đến lúc, chúng tôi phải nhận về mình những thách thức lớn hơn, giải những bài toán lớn hơn. Thời điểm này FPT đang dốc sức trong mục tiêu giúp Việt Nam phát triển hơn nữa dựa trên công nghệ số, hướng đến mô hình quốc gia số với ba trụ cột chính là chính phủ số, xã hội số và kinh tế số.
Minh Huy