- Thông tin hạ trần lãi suất huy động về mức 9% một năm đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ông đánh giá như thế nào về tác động của chính sách này tới thị trường?
- Tôi cho rằng, trong ngắn hạn thị trường có thể có những phản ứng khác nhau, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố vĩ mô, vi mô khác. Tuy nhiên, xét trong cả quá trình dài hạn, hạ lãi suất là một động thái quan trọng giúp thị trường tăng trưởng tốt.
Trước hết, việc giảm lãi suất huy động sẽ dần làm giảm lãi suất vốn vay của doanh nghiệp, từ đó giúp tăng hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế. Tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp niêm yết nói riêng sẽ là nền tảng quan trọng giúp thị trường tăng điểm do chất lượng hàng hóa là các cổ phiếu được tăng lên.
Điểm thứ hai đáng chú ý là khi lãi suất hạ, dòng tiền chuyển dịch vào chứng khoán sẽ có xu hướng tăng lên. Năm nay, các kênh đầu tư như vàng, bất động sản, ngoại tệ trở nên kém hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm hay đầu tư chứng khoán. Nay, trần lãi suất huy động về chỉ còn 9% một năm, khiến tiết kiệm không hẳn là hấp dẫn nữa. Vì thế, sức hấp dẫn của kênh đầu tư vào chứng khoán sẽ gia tăng.
- Với vai trò là người đứng đầu công ty chứng khoán, ông đã có sự chuẩn bị cho cơ hội thị trường này?
- Tôi nhớ có ý kiến nói rằng, làm chứng khoán phải chấp nhận kiếm củi một giờ… đốt 3 năm. Dù thị trường vẫn còn nhiều cạm bẫy, nhưng tôi cho rằng, chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn như vậy. Đó là cơ hội cho nhà đầu tư được tham gia vào thị trường ở giai đoạn hồi phục mạnh mẽ, cơ hội cho công ty chứng khoán mở rộng hoạt động kinh doanh.
Về phía FLCS, từ năm 2011, chúng tôi đã xác định phải thực hiện đẩy mạnh việc tái cơ cấu chính mình và tăng đầu tư vào con người, lĩnh vực phát triển công nghệ, sản phẩm, để thu hút khách hàng.
- Cạnh tranh trong lĩnh vực chứng khoán đang diễn ra khá gay gắt và rủi ro hoạt động công ty chứng khoán là không nhỏ. FLCS sẽ làm gì để đối mặt với cả 2 thách thức trên?
- Thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời kỳ phát triển và cũng trải qua các bước phát triển như các thị trường lâu đời khác nên không tránh khỏi những giai đoạn như hiện nay. Vì vậy tương lai chắc chắn còn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp niêm yết và đặc biệt các định chế tài chính trung gian như công ty chứng khoán. Hiện nay, dân số Việt Nam ước khoảng 88 triệu người, nhưng hiện mới chỉ có hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán. Do đó, dư địa phát triển nhà đầu tư trong nước còn rất lớn, chưa nói đến các nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài đang quan tâm đến các thị trường mới nổi như Việt Nam.
UBCK đã và đang tái cấu trúc thị trường và đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về việc quản lý hoạt động của các công ty chứng khoán. Việc này dần khiến cho sự cạnh tranh giữa các công ty trở nên lành mạnh.
Để hướng tới sự phát triển bền vững, chúng tôi nhìn nhận quản trị rủi ro công ty chứng khoán là vấn đề sống còn. Rất nhiều công ty đã phải trả giá cho những bài học từ quản trị rủi ro kém.
(Theo ĐTCK)