Thị trường bất động sản năm 2016 chứng kiến sự bùng nổ ở phân khúc nghỉ dưỡng, từ các tỉnh thành ven biển cho đến miền núi... với tỷ lệ hấp thụ nhiều dự án tới 80%. Không ít ý kiến lo ngại tình trạng bội cung bất động sản nghỉ dưỡng có thể xảy ra trong nay mai. Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC cho rằng, phân khúc này vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.
- Được biết đến là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, song FLC chọn những địa điểm khá ít đối thủ cạnh tranh lớn. Ông lý giải như thế nào về điều này?
- Năm qua FLC khánh thành FLC Quy Nhơn, đồng thời khởi công 3 dự án mới là FLC Hạ Long, FLC Vĩnh Phúc và FLC Quảng Bình đều là những dự án bất động sản nghỉ dưỡng nghìn tỷ.
Ở những dự án như FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn… trước đây hầu như là bãi hoang, đầm lầy rất ít giá trị kinh tế, nay đã trở thành những quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Điều này khác nhiều so với việc tạo thêm giá trị cho những thứ vốn đã đắt đỏ. Mỗi chủ đầu tư có một tính toán của riêng mình. Với FLC, chúng tôi muốn biến đá thành vàng, khó hơn so với việc biến vàng thành trang sức.
- Ông có thể chia sẻ những kế hoạch đầu tư bất động sản của FLC trong năm 2017?
- Chúng tôi đã và đang phát triển 6 quần thể du lịch nghỉ dưỡng với tổng diện tích gần 5.000 ha, khoảng 4.500 phòng khách sạn và hàng nghìn căn biệt thự nghỉ dưỡng, tổng mức đầu tư đăng ký đạt 45.000 tỷ đồng.
Năm 2017, chúng tôi sẽ hoàn thiện và dự kiến khánh thành dự án FLC Hạ Long vào đầu quý III. FLC cũng dự kiến khởi công dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Đồ Sơn tại thành phố Hải Phòng, diện tích khoảng 500 ha, tổng mức đầu tư 5.300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ mở rộng đầu tư tại các dự án đã đi vào hoạt động như FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, FLC Vĩnh Phúc. Cụ thể, tại FLC Sầm Sơn, chúng tôi đang triển khai giai đoạn 2 là dự án FLC Lux City với 70 tiện ích, trong đó có khách sạn, nhà hàng, siêu thị, công viên giải trí… Tại FLC Quy Nhơn, ngay trong tháng này, chúng tôi sẽ ra mắt Học viện golf cùng 18 hố golf. FLC Vĩnh Phúc cũng dự kiến sẽ được mở rộng lên tổng mức đầu tư trên 1 tỷ USD.
Với bất động sản thương mại, trong năm nay, chúng tôi sẽ hoàn thiện và bàn giao nhà một số dự án, đồng thời nghiên cứu triển khai dự án cải tạo khu chung cư Kim Giang, Hà Nội.
- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2017 cũng như trong dài hạn?
- Tôi cho rằng, cơ hội cho bất động sản trong năm 2017 và dài hạn vẫn rất lớn bởi nhu cầu nhà ở thực của người dân còn thiếu nhiều. Vì vậy, với phân khúc bất động sản khu đô thị, quan trọng nhất vẫn là chọn phân khúc giá nào, vị trí ra sao và chất lượng xây dựng, uy tín chủ đầu tư như thế nào. Tôi tin là tốc độ đô thị hóa cao, thu nhập người dân tăng lên và thiếu hụt cung nhà ở cho người thu nhập trung bình khá, thấp… dẫn đến thị trường luôn rộng mở cho những nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp và lựa chọn hướng đi đúng.
- Một số chuyên gia gần đây lo ngại tình trạng bội cung có thể xảy ra với bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, như ông vừa nói, chiến lược của FLC trong thời gian tới vẫn là tập trung vào phân khúc này. Ông có thể lý giải về điều đó?
- 10 năm trước, hầu hết người dân coi đi nghỉ dưỡng còn là xa xỉ. Tuy nhiên, 2016 là năm đầu tiên bùng nổ nhu cầu phòng nghỉ dưỡng. Không chỉ các dự án của FLC mà nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng cháy phòng vào mùa cao điểm.
Thu nhập tăng lên, xu hướng dịch chuyển của giới trẻ và đặc biệt là toàn cầu hóa đang mở ra cơ hội phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cho Việt Nam. Nhìn vào mật độ và trình độ phát triển bất động sản nghỉ dưỡng của Thái Lan sẽ thấy rằng, Việt Nam vẫn chỉ trong giai đoạn sơ khởi. Thứ Việt Nam thiếu trong lĩnh vực này chính là hạ tầng du lịch và tư duy dịch vụ. Nếu các doanh nghiệp Việt tăng cường hơn nữa chất lượng dịch vụ thì có thể chỉ 10 năm nữa, chúng ta sẽ tạo bộ mặt du lịch rất khác.
Đối với FLC, chúng tôi có lối đi riêng trong phát triển bất động sản nghỉ dưỡng như lựa chọn những nơi có lợi thế đặc biệt về du lịch, tính kết nối cao với các địa danh du lịch, tham quan khác, có tính khai phá để giúp tiết kiệm chi phí phát triển… Đặc biệt, dự án phải có tính kết nối cao với khu dân cư hiện hữu để mở rộng tập khách hàng, không chỉ khai thác nguồn khách du lịch mà đáp ứng cả những người dân địa phương có nhu cầu nhà ở thực.
Và đặc biệt, quy mô dự án phải lớn với đầy đủ các hạ tầng về vui chơi giải trí cũng như nghỉ dưỡng. Ở Việt Nam, số dự án bất động sản nghỉ dưỡng lớn, nhưng đáp ứng được đầy đủ các hạ tầng về vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, sân golf… kết hợp thì rất ít. Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới đã có, và tôi tin Việt Nam không phải là ngoại lệ.
- Trong năm 2016, cổ phiếu Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã CK: ROS) lên sàn và có tốc độ tăng giá nhanh. Không ít nhà đầu tư đặt nghi vấn xung quanh diễn biến này và việc tài sản chứng khoán của ông tăng mạnh. Ông lý giải như thế nào?
- Tôi không lấy tài sản chứng khoán làm mục tiêu mà chỉ tập trung tới việc đầu tư, kinh doanh bất động sản cho tốt. Về diễn biến giá của ROS, tôi cho rằng giá một cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ cung cầu. Hiện tại, FLC Faros dù có vốn hóa lớn, nhưng xấp xỉ 77% vốn điều lệ lại đang được nắm giữ bởi một số ít cổ đông lớn. Điều này có nghĩa là cung hàng trên thị trường không nhiều, là lý do đầu tiên tạo nên diễn biến đó.
Thứ hai theo tôi là ở góc độ triển vọng của doanh nghiệp. Bản thân tôi cũng như ban điều hành đánh giá rất cao FLC Faros và tôi nghĩ rằng có thể các nhà đầu tư cũng nhìn ra điều này. Tôi cho rằng, triển vọng của công ty đã tạo nên sự hấp dẫn của cổ phiếu ROS.