"Không ngờ báo cáo việc làm mạnh như vậy. Đây là lý do chúng tôi cho rằng quá trình giảm lạm phát sẽ phải mất thêm một thời gian dài nữa", Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết trong diễn đàn của Economic Club of Washington hôm 7/2. Trong tháng 1, Mỹ đã tạo thêm 517.000 việc làm mới.
"Lạm phát đã bắt đầu giảm rồi", Powell nói. Mức giảm rõ rệt nhất với giá hàng hóa nhưng mức tăng giá trong ngành dịch vụ vẫn cao.
Fed cho rằng lạm phát năm nay sẽ giảm "đáng kể". Tuy nhiên, có thể phải đến năm sau, số liệu này mới quay về mục tiêu 2%. Từ giờ đến lúc đó, Powell cho biết lãi suất sẽ vẫn phải duy trì ở mức cao.
Fed đang theo sát Chỉ số Giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của cơ quan này. "Nhiều người kỳ vọng lạm phát sẽ giảm nhanh và không để lại hậu quả. Tôi không cho rằng điều đó sẽ xảy ra đâu. Sẽ phải mất thêm một thời gian nữa", Powell cho biết.
Các nhà kinh tế học cho rằng báo cáo việc làm tháng 1 chịu ảnh hưởng từ các yếu tố mùa vụ và có thể sẽ giảm xuống trong các tháng sau. Thị trường lao động hiện tại phản ánh tác động trong dài hạn của đại dịch lên kinh tế Mỹ và nguồn cung lao động.
Nhu cầu hiện vượt cung tới 5 triệu người. Tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động cũng giảm. "Tình hình này mang tính cấu trúc hơn là chu kỳ", ông nói.
Dù vậy, sự sôi động trên thị trường lao động lại xung đột với các nỗ lực giảm lạm phát của Fed. Powell lo ngại việc này sẽ khiến lương nhân công tăng cao, từ đó khiến lạm phát tiếp tục tăng tốc. Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, người lao động sẽ khó đàm phán tăng lương và các hộ gia đình sẽ giảm chi tiêu.
"Năm 2018 và 2019, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 3,5% và lạm phát chỉ quanh 2%. Lương tăng với phần lớn lao động bình dân. Chúng tôi muốn quay về thời điểm đó", ông nói.
Powell cũng nhấn mạnh cơ quan này vẫn sẽ quyết định dựa trên số liệu. "Nếu báo cáo việc làm tiếp tục mạnh, hoặc lạm phát vẫn tăng, chúng tôi có thể phải tăng lãi suất mạnh hơn nữa", ông cảnh báo.
Hà Thu (theo CNN)