Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 lần hai của Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) ngày 27/5 diễn ra thành công, với tỷ lệ tham dự gần 95%. Cách đây một tháng, phiên họp này bất thành lần một vì không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự.
Liên tiếp từ 2019 đến nay, Eximbank nhiều lần lên kế hoạch tổ chức họp nhưng đều thất bại. Khi thì nguyên nhân không thoả mãn yêu cầu tỷ lệ cổ đông, khi phải tạm hoãn do dịch bệnh. Mâu thuẫn không giải quyết được giữa các nhóm cổ đông cũng khiến nhà băng này không thể kiện toàn bộ máy lãnh đạo.
Cho tới phiên họp 15/2 năm nay, Eximbank mới dàn xếp được đội ngũ Hội đồng quản trị mới, chỉ có bà Lương Thị Cẩm Tú là thành viên duy nhất từ hội đồng quản trị nhiệm kỳ cũ. Hai trên 7 thành viên Hội đồng quản trị gồm bà Tú được ủng hộ bởi nhóm cổ đông liên quan Tập đoàn Hoàn Cầu; hai thành viên được ủng hộ bởi Tập đoàn Thành Công; một thành viên của BamBoo Capital; một thành viên đại diện Công ty Chứng khoán Rồng Việt và một đại diện của Sumitomo Mitsui Banking.
Như vậy, đây là đại hội thành công đầu tiên sau khi Eximbank kiện toàn bộ máy nhân sự lãnh đạo và có Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.
Tại đại hội lần này, các cổ đông khá quan tâm việc liệu ngân hàng có thể xử lý dứt điểm tình trạng mâu thuẫn xảy ra giữa các nhóm cổ đông để phát triển ngân hàng. Nhiều cổ đông gắn bó lâu năm với Eximbank còn đặt kỳ vọng nhà băng có thể quay về quỹ đạo hoạt động, phấn đấu lấy lại vị thế top 10 trong ngành.
Phản hồi sau đó, Chủ tịch Eximbank - bà Lương Thị Cẩm Tú nói hội đồng quản trị nhiệm kỳ 6 đã kết thúc và cổ đông đã bầu ra được hội đồng quản trị hoàn toàn mới. "Chúng tôi mong được sự ủng hộ của cổ đông để đưa ngân hàng trở lại quỹ đạo phát triển. Vì thời điểm hiện nay, Eximbank đã tụt quá sâu so với các ngân hàng khác", bà nói.
Theo bà Tú, hội đồng quản trị là những người đại diện, nhận uỷ quyền cho các nhóm cổ đông. "Không có bất kỳ nhóm lợi ích liên quan đến hoạt động riêng chi phối và ảnh hưởng hoạt động Eximbank. Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới chung mục tiêu phát triển tốt nhất cho ngân hàng, trong đó có quyền lợi cổ đông", bà Tú khẳng định.
Chủ tịch Eximbank chia sẻ thêm, nếu các nhóm cổ đông có hệ sinh thái tốt, ngân hàng vẫn ủng hộ, nhưng phải đảm bảo yêu cầu liên quan đến luật doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, đầu tư cấp phát tín dụng,...
Liên quan tới cổ đông ngoại SMBC, bà Tú cho hay, họ mới chỉ thông báo có quyết định chấm dứt thỏa thuận chiến lược và vẫn đang là cổ đông lớn, chưa có thông báo về việc rút vốn khỏi Eximbank.
Lục đục nội bộ khiến kết quả kinh doanh của Eximbank sa sút trong những năm gần đây. Trong khi những ngân hàng khác đua nhau báo lãi kỷ lục thì năm ngoái ngân hàng lãi trước thuế 1.205 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Kết quả này không hoàn thành mục tiêu lãi trước thuế công bố hồi đầu năm là 2.150 tỷ đồng và điều chỉnh còn 1.300 tỷ đồng trong ngày cuối năm.
Do đó, các cổ đông tại đại hội lần này tỏ ra hoài nghi về mục tiêu lợi nhuận 2022 tăng hơn 100% so với năm ngoái lên 2.500 tỷ đồng trong bối cảnh ngành ngân hàng có nhiều thay đổi, như siết trái phiếu doanh nghiệp, hạn chế tín dụng bất động sản và mặt bằng lãi suất đi lên.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng này khẳng định tự tin với mục tiêu lợi nhuận năm nay nhờ vào việc cơ cấu lại nguồn vốn, thu hồi được nợ xấu và đẩy mạnh nguồn thu khác ngoài tín dụng.
Phiên đại hội của Eximbank tổ chức thành công song có hai tờ trình không được thông qua gồm tờ trình về kết quả chuyển nhượng cổ phiếu Sacombank và sửa đổi điều lệ, cho phép bổ sung thêm tổng giám đốc hoặc chủ tịch trong thời gian khuyết chức danh.
Các tờ trình còn lại được thông qua, gồm tờ trình chia cổ tức và đầu tư xây dựng trụ sở chính Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm. Theo đó, ngân hàng thông qua phương án phát hành gần 246 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 20%. Nguồn thực hiện từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ của năm 2017 đến 2021. Eximbank sẽ gửi văn bản xin Ngân hàng Nhà nước và tiến hành các thủ tục cần thiết.
Quỳnh Trang