Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, hôm 19/9, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, nước chủ tịch Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), chỉ trích những cuộc đảo chính quân sự liên tiếp xảy ra ở khu vực này trong những năm qua, thậm chí được người dân nhiều nước ủng hộ.
"Những gì đang diễn ra ở khắp các khu vực châu Phi không thể hiện sự ủng hộ đối với những cuộc đảo chính. Cần có giải pháp cho các vấn đề đã kéo dài từ lâu", ông Tinubu nói.
"Chúng tôi đang đàm phán với các lãnh đạo quân sự Niger. Là chủ tịch ECOWAS, tôi tìm cách thiết lập lại trật tự dân chủ để góp phần giải quyết thách thức chính trị và kinh tế mà quốc gia này phải đối mặt", ông nói thêm.
Ông Tinubu tháng trước cũng đề xuất quá trình đưa Niger quay về chế độ dân sự theo giai đoạn 9 tháng. Ông lấy dẫn chứng rằng Nigeria vào năm 1999 đã quay về chế độ dân sự sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 9 tháng do cựu lãnh đạo quân đội Abdulsalami Abubaka thực hiện.
Quân đội Niger hôm 26/7 lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum và thành lập chính quyền quân sự lâm thời. Cuộc đảo chính này gây thêm lo ngại ở khu vực Tây Phi, nơi các nước Mali, Guinea và Burkina Faso đều do chính quyền quân sự lãnh đạo sau loạt cuộc đảo chính từ năm 2020.
ECOWAS kêu gọi Niger khôi phục trật tự hiến pháp sớm nhất có thể, đồng thời kích hoạt lực lượng thường trực, cảnh báo khối sẽ can thiệp quân sự nếu cần. Niger trong khi đó ra lệnh cho lực lượng vũ trang đặt trong tình trạng báo động cao nhất và sẽ ủy quyền cho quân đội Burkina Faso và Mali can thiệp trong trường hợp "bị tấn công".
ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo. Khối này đã đình chỉ tư cách thành viên đối với Mali, Burkina Faso và Niger sau các cuộc đảo chính.