Năm 2020 là một năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tuy vậy, theo báo cáo của Do Ventures, Fintech vẫn là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, khi chiếm đến 28% tổng giá trị đầu tư trong năm 2020.
Trong buổi chia sẻ tại chương trình "Hỏi thật - Đáp thật" do VOH phối hợp Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Propzy Launch tổ chức và livestream tại Fanpage Propzy ngày 22/6, ông Leon Trương - Chủ tịch DTS đã tham gia chia sẻ chủ đề "Mô hình Fintech - cánh cửa nào cho startup siêu nhỏ".
Mô hình Fintech - cánh cửa nào cho startup siêu nhỏ
Theo ông Leon Trương, Fintech được hiểu là việc áp dụng công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính hướng tới tạo sản phẩm số mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng so với cách sản phẩm truyền thống.
"Ví dụ như trước kia nếu người dân muốn mở tài khoản ngân hàng thì phải tới các chi nhánh ngân hàng, xếp hàng và làm thủ tục mất vài tiếng thì giờ đây với các công nghệ dịch vụ điện tử các người dân chỉ phải mở điện thoại và đăng ký trong vài phút", ông Leon Trương chia sẻ.
Ở Việt Nam, Fintech hoạt động chính trong các mảng thanh toán số, chuyển tiền, cho vay số (cá nhân và doanh nghiệp nhỏ), trả lương, blockchain, mua trước trả sau, tài chính và đầu tư cá nhân, công nghệ bảo hiểm số. Việc giãn cách xã hội góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng. Họ bắt đầu bỏ nhiều thời gian cho hoạt động online, đặc biệt là mua sắm online, từ đó nhu cầu thanh toán online cũng sẽ phát triển hơn.
Hiện tại, một số cái tên nổi tiếng trong mảng Fintech Việt Nam gồm MoMo, VNPay,,, và chủ yếu phát triển ở mảng trung gian thanh toán. Do đó startup vẫn còn nhiều cơ hội khi chọn mảng tiềm năng mà các đơn vị lớn chưa đầu tư.
Nhân sự là vấn đề quan trọng nhất
Theo kinh nghiệm, Chủ tịch DTS chia sẻ, trong quá trình khởi nghiệp lĩnh vực Fintech, vấn đề quan trọng nhất là nhân sự. Nhân sự cho công nghệ hiện nay đã khan hiếm, nhân sự trong công nghệ tài chính có thể biến các sản phẩm về tài chính truyền thống thành sản phẩm số lại càng khan hiếm và khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ thêm về các yếu tố ông quan tâm khi quyết định rót vốn cho startup. Điều ông quan tâm nhất khi đầu tư cho startup là mô hình kinh tế. Trong bối cảnh hiện tại, khi dịch bệnh xảy ra có những ngành đi xuống, đóng cửa hoàn toàn, nhưng có những ngành tăng trưởng vượt bậc.
"Quan trọng là chúng ta chọn vào ngành nào và chúng ta giải quyết bài toán gì? Lúc này nhà đầu tư sẽ thấy được tiềm năng của thị trường và sẽ chọn đầu tư", ông Leon Trương nhấn mạnh.
Chủ tịch DTS cũng bật mí kinh nghiệm tạo uy tín trong cộng đồng đối với startup. Điều đầu tiên là phải xuất hiện trong cộng đồng. Bài toán startup đang giải quyết có phải là bài toán các công ty tài chính lớn và ngân hàng lớn họ đang quan tâm không, hay đó có phải là vấn đề nhức nhối của người sử dụng dịch vụ.
"Startup phải nêu rõ được 'nỗi đau' đó trên các cộng đồng về startup để mọi người thấy được bài toán mà startup đang giải quyết là đúng sau đó sẽ theo dõi và hỗ trợ", ông Leon Trương chia sẻ.
Đối với các startup nhỏ không có nhiều thông tin về công ty, ông dựa trên ba yếu tố để quyết định rót vốn. Thứ nhất là về thị trường, ông nhìn nhận xem thị trường startup đang theo đuổi có phải thị trường tiềm năng và quy mô thị trường đủ lớn để phát triển trong tương lai không.
Kế đến là về sản phẩm. Có rất nhiều khó khăn, bất cập của các sản phẩm truyền thống nhưng nếu startup số hóa và đưa thành một sản phẩm Fintech thì liệu có đang giải quyết vấn đề đáng được giải quyết hay không. Đây là điều quan trọng vì startup giải quyết một bài toán phụ hay một vấn đề chưa cần thiết. Cuối cùng là con người, đội ngũ của công ty phải am hiểu về ngành dịch vụ tài chính.
Bảo Khánh