Người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) nói vậy tại buổi họp báo chiều 30/12. Trước đó một ngày, chính người đứng đầu PetroVietnam cũng tiết lộ mặt bằng giá như trên sẽ khiến lợi nhuận Tập đoàn giảm đi 21.000 tỷ trong năm tới.
Lý giải cho nhận định này, ông Sơn nói rằng giá dầu lên thì thu ngân sách trực tiếp từ dầu thô tăng. Nếu giá xuống thì thu trực tiếp đương nhiên giảm, nhưng tính tổng thu của nền kinh tế thì chưa chắc theo tỷ lệ này vì thu ở nhiều nguồn khác tăng lên. “Giá dầu là giá cơ sở, là đầu vào của nhiều mặt hàng khác, nên khi giá dầu giảm thì chi phí giảm, như xăng đã giảm đến 6.000 đồng mỗi lít, khi đó GDP có thể tăng lên”, ông phân tích.
Phương án giá dầu ở mốc 60USD mỗi thùng cũng là kịch bản thấp nhất trong 6 giả thiết mà doanh nghiệp này đặt ra để tính toán các chỉ tiêu tài chính trong năm 2015. Theo đó, kịch bản cao nhất, mức 100USD thì với sản lượng khai thác năm tới khoảng 26,6 triệu tấn, tổng doanh thu của Tập đoàn khoảng 718.400 tỷ đồng, trong đó nộp về ngân sách là 159.000 tỷ.
Trong khi với kịch bản giá dầu 60 USD, hai chỉ tiêu này lần lượt là 515.000 tỷ doanh thu và 104.000 tỷ đóng góp ngân sách.
Dù đưa ra 6 kịch bản, song Chủ tịch PetroVietNam cho hay, ngành dầu khí vẫn nghiêng về “kịch bản trung bình”. “Các tổ chức dự báo uy tín của thế giới nói giá dầu sẽ giao động mức 60-75USD, còn chúng tôi dự báo sẽ xoay quanh mốc 70USD mỗi thùng”, ông Sơn bày tỏ.
Tính toán của Tập đoàn cho thấy, mức giá này sẽ khiến doanh thu giảm từ 745.500 tỷ đồng trong năm qua xuống còn 562.500 tỷ năm tới.
Ông Sơn cũng cho biết, một khi giá dầu vẫn ở mức dưới 60 USD như hiện nay thì PetroVietNam dự kiến sẽ dừng khai thác 4 mỏ có chi phí từ 60 USD trở lên. Trong khi phần lớn các mỏ của PetroVietNam có chi phí khai thác từ 30 đến 37USD mỗi thùng.
Dù vậy, ông Sơn khẳng định tổng trữ lượng 4 mỏ này chỉ vào khoảng 450.000 tấn nên sẽ không ảnh hưởng đến sản lượng theo kế hoạch.
Dự kiến trong năm tới, tổng lượng dầu quy đổi mà Tập đoàn sẽ khai thác khoảng 26,6 triệu tấn, giảm một triệu tấn so với số thực hiện năm 2014.
Một thuận lợi khác mà ngành dầu khí nhìn thấy khi giá dầu xuống là khả năng đi mua mỏ để gia tăng dự trữ. Theo lãnh đạo Tập đoàn, đây cũng là “đề bài” đã được đặt ra cho Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí. “Đã xuất hiện nhiều công ty, quốc gia bán các mỏ dầu do giá xuống. Nếu có nhiều dự án tốt thì PetroVietNam sẽ tính toán để sở hữu vì dù không có nhiều tiền nhưng không phải là không đủ tiền để mua như trước kia”, vị này cho biết thêm.
Liên quan đến đề xuất nhập dầu thô để tăng dự trữ nhằm hưởng lợi từ giá dầu giảm mà Chủ tịch UBND TP HCM đề xuất với Thủ tướng ngày 29/12, Chủ tịch PetroVietNam cho rằng rất khó để nói mua dự trữ lúc này là có lợi bởi rất có thể ngay khi nhập dầu về giá lại tiếp tục xuống. “Tập đoàn luôn theo sát diễn biến giá dầu để điều hành hoạt động kinh doanh sao cho đảm bảo hiệu quả tối thiểu trong xuất nhập khẩu là giá lên thì có lợi mà giá xuống vẫn có hiệu quả”, ông Nguyễn Xuân Sơn khẳng định.
Chí Hiếu