Phiên họp đại hội cổ đông thường niên 2018 của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) diễn ra sáng nay ghi nhận hàng loạt đề xuất sáp nhập các công ty thành viên, nhằm đảm bảo tính minh bạch và hạn chế rủi ro tài chính.
Đại diện Dragon Capital cho biết rót vốn vào Coteccons cách đây hai năm vì nhận thấy đây là một trong những công ty xây dựng có biên lợi nhuận tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, quỹ này không thích Coteccons có nhiều công ty liên quan mà không sở hữu, nên đề nghị sáp nhập lại thành một thể thống nhất.
Với tư cách cổ đông chiến lược, Kustocem Pte. Ltd (Singapore) cũng đồng thuận phương án sáp nhập nhưng cho rằng Coteccons nên cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp và thời gian thực hiện nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông và công ty. Đây được xem là một trong những bước ngăn chặn phân chia lợi ích không đồng đều, do đó cổ đông này đề xuất phải thuê đơn vị định giá độc lập tham gia ngay từ đầu.
Chủ tịch HĐQT Coteccons - ông Nguyễn Bá Dương khẳng định ủng hộ việc sáp nhập công ty thành viên để tạo thành sức mạnh tổng hợp. Khi đó CTD chắc chắn sẽ trở thành một công ty lớn thuộc top 10 của Việt Nam với doanh thu có thể lên đến 3 tỷ đôla trong năm 2020. Ông Dương cho rằng, trong bối cảnh ngày càng phát triển và cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp này không thể đơn phương thực hiện các dự án. Trong khi đó, Coteccons đang sở hữu mạng lưới công ty vệ tinh tốt nhất từ trước đến nay, quy trình hoạt động minh bạch chứ không phải lấy tiền túi này bỏ túi khác.
“Băn khoăn lớn nhất là cổ đông lớn tại các đơn vị thành viên Coteccons không nắm cổ phần chi phối đã sẵn sàng cho kế hoạch này chưa”, ông Dương nói và thông tin thêm điển hình trong số này là việc chỉ nắm 14,87% cổ phần Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons, doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu bình quân 30% mỗi năm. Về kế hoạch kinh doanh năm 2018, người đứng đầu Coteccons lý giải, những con số này được xây dựng trên cơ sở đánh giá triển vọng thị trường xây dựng đang có dấu hiệu chậm lại do Nhà nước hạn chế tín dụng cho bất động sản.
Bên cạnh đó, công ty còn đối mặt với hàng loạt khó khăn như dự án bị chậm triển khai vì các thủ tục liên quan đến chính sách quản lý tài nguyên, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh vì chế độ bảo hiểm xã hội mới áp dụng, xu hướng nhà ở chuyển sang phân khúc trung bình…
Theo tờ trình ban đầu, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất tương đương so với thực hiện năm ngoái là 27.200 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 15%, xuống còn 1.400 tỷ. Tuy nhiên, trước ý kiến của cổ đông, ban lãnh đạo CTD đồng ý nâng tỷ lệ cổ tức từ 30% lên 50% (thực hiện vào quý III/2018), nâng doanh thu lên 28.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng lên 1.500 tỷ và được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Đến hết quý I/2018, Coteccons ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 4.300 tỷ đồng và 290 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành xấp xỉ hơn 15% và 19% kế hoạch cả năm.
Phương Đông