Ông Bolat Duisenov được bầu làm Chủ tịch Coteccons tháng 10/2020 thay ông Nguyễn Bá Dương. Hơn nửa năm ngồi vào ghế nóng, doanh nhân người Kazakhstan lần đầu chia sẻ về quá trình tiếp nhận chuyển giao, tái cấu trúc và định hướng dài hạn của doanh nghiệp đầu ngành xây dựng.
- Sáu tháng đầu tiên trong vai trò thủ lĩnh của Coteccons, ông cảm thấy thế nào?
- Khoảng thời gian này thực sự không dễ dàng với cá nhân tôi cũng như ban điều hành và tất cả nhân viên Coteccons. Chúng tôi xác lập lại tầm nhìn mới, từ đó truyền đạt cho các cấp dưới để mọi người hiểu và đồng lòng gắn bó với công ty. Mọi thứ chúng tôi làm hoặc đưa vào kế hoạch đều phải trả lời được câu hỏi: điều này đóng góp thế nào cho công ty phát triển bền vững trong dài hạn?
Chúng tôi cố gắng minh bạch, cải tổ và đặt ra quy định mới trong nội bộ về cách vận hành và quản trị doanh nghiệp. Điều này để tất cả lợi nhuận kiếm được phải ghi nhận về công ty chứ không thuộc nhóm lợi ích nào.
Từ khi tiếp quản công ty, tôi và ban điều hành tập trung vào 4 nhánh công việc là phát triển con người, vận hành, khách hàng và tài chính. Điều khiến tôi tự hào nhất là đã vực dậy tinh thần và đoàn kết nội bộ. Chúng tôi vừa giữ chân nhân tài, vừa thu hút người mới và giúp họ làm việc ăn ý với nhau.
Vì thế, khi quá trình tái cấu trúc tương đối hoàn chỉnh, đây là thời điểm phù hợp để tôi cởi mở chia sẻ.
- Con người là điều khiến ông tự hào. Vậy nguyên nhân nào khiến số lượng nhân viên Coteccons nghỉ việc trong năm qua lên đến 600 người?
- Người đi làm có thể chia thành hai nhóm. Một là những người không thích, không chấp nhận sự thay đổi và ngại những thứ bất định. Khi có thay đổi, họ chỉ muốn ở trong vùng an toàn. Nhóm thứ hai là những tài năng trẻ, giàu năng lượng và sẵn sàng chấp nhận thử thách mới.
Khi vào điều hành, chúng tôi cũng yêu cầu nhân viên ở lại phải hoàn toàn vì lợi ích của Coteccons. Những người không thích ứng với sự thay đổi đã ra đi. Tuy nhiên, con số này chỉ khoảng vài chục người.
Số lượng nghỉ việc cần được nhìn trên góc độ kinh doanh để thấy điều này hết sức bình thường. Coteccons từ trước đến giờ có tỷ lệ doanh thu bình quân trên đầu người tương đối ổn định, khoảng 10 tỷ đồng một nhân viên. Khi thị trường biến động tiêu cực, công ty phải điều chỉnh kế hoạch nhân sự nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
- Ông nghĩ thế nào khi có thông tin cho rằng nhà đầu tư ngoại đang muốn thâu tóm Coteccons?
- "Thâu tóm" có vẻ là động từ khá mạnh. Khi ai đó thâu tóm doanh nghiệp thì họ phải có chủ đích thực hiện ý đồ cá nhân. Còn ở Coteccons, đến một lúc các thành viên trong Hội đồng quản trị và ban điều hành không còn phù hợp nữa thì họ rời đi. Người đứng đầu nói rõ lý do họ từ chức vì muốn dành thời gian cho gia đình và bản thân. Những người khác sau đó bước vào lãnh đạo và tiếp tục công việc.
Hội đồng quản trị hiện tại có một số người nước ngoài nhưng tôi khẳng định Coteccons vẫn là một công ty rất Việt Nam. Tên công ty vẫn như vậy và không có lý do gì để thay đổi. Đa số nhân viên cũng là người Việt, đang ngày đêm xây dựng một thương hiệu có chỗ đứng và chất lượng ngang tầm quốc tế.
Chúng tôi đã mời những chuyên gia trong lẫn ngoài nước có chuyên môn và uy tín để công ty vận hành theo thông lệ tốt hơn. Nếu hỏi điều này có làm Coteccons bớt Việt Nam không, tôi luôn trả lời là không.
- Thời gian qua, lợi nhuận của Coteccons sụt giảm, giá cổ phiếu đi xuống... khiến không ít nhân viên cũng như cổ đông có vẻ quan ngại về tình hình công ty, ông nghĩ gì về điều này?
- Coteccons có 17 năm thành lập và được quản lý bởi một cá nhân. Họ đột ngột rời khỏi công ty và một số nhân vật chủ chốt cũng đi theo. Điều này dẫn đến nhiều xáo trộn, trong đó có giá cổ phiếu.
Thị giá do thị trường quyết định và chúng tôi không thể điều khiển, nhưng tôi cho rằng cổ phiếu Coteccons đang bị định giá thấp hơn giá trị thực. Hai nguyên nhân khiến thị giá thấp là không có thanh khoản và kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng vì thiếu hợp đồng mới trong nhiều tháng liên tiếp.
Quá trình tái cơ cấu không thể có kết quả ngay lập tức nên trong ngắn hạn cổ đông có thể phải hy sinh một ít quyền lợi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo tăng trưởng.
Bây giờ các chỉ số tài chính đã khả quan hơn rất nhiều nhờ hợp đồng đến từ khách hàng cũ lẫn mới. Ví dụ, chúng tôi đặt mục tiêu 30 ngày cuối năm ngoái ký được các hợp đồng trị giá 4.000 tỷ đồng thì thực tế lên đến 6.000 tỷ đồng. Tính đến nay, con số này khoảng 10.000 tỷ đồng.
- Coteccons chưa từng vay nợ, nhưng sắp tới "truyền thống" này sẽ bị phá vỡ bằng việc trình cổ đông phương án phát hành trái phiếu 500 tỷ đồng. Vì sao công ty ra quyết định này trong khi tiền mặt còn rất lớn?
- Coteccons nhiều năm được gọi là công ty nhiều tiền nhất thị trường. Chúng tôi có hơn 3.000 tỷ đồng tiền mặt và không có nợ. Bây giờ công ty cũng chưa cần tiền, nhưng trong thời gian tới, việc mở rộng sang những lĩnh vực có hàm lượng chất xám và công nghệ cao như EPC, các công trình hạ tầng sẽ đòi hỏi nguồn lực vốn lớn. Chúng tôi quan niệm không phải lúc nào làm mới huy động mà nên chuẩn bị trước 1-2 năm để về sau dễ hơn.
- Ông kỳ vọng Coteccons sẽ như thế nào trong 5 hay 10 năm tới?
- Tôi tham gia Coteccons cách đây 9 năm và luôn thấy đây là một doanh nghiệp mạnh, nhưng tập trung quá nhiều vào mảng xây dựng các toà nhà dân dụng. Trong khi đó, các tập đoàn lớn trên thế giới có 50-100 năm kinh nghiệm đều có những trụ cột kinh doanh khác nhau như dân dụng, hạ tầng, xây dựng và sở hữu sân bay hoặc các loại hình bất động sản khác.
Nếu chỉ xây các toà nhà dân dụng, Coteccons đang và sẽ tiếp tục phụ thuộc vào chu kỳ giá của thị trường bất động sản. Khi bị cuốn vào đó, giá trị cổ phiếu bị ảnh hưởng và tốc độ tăng trưởng chậm dần.
Đó là lý do tôi không muốn Coteccons 5-10 năm sau chỉ được biết đến là công ty xây nên những cao ốc văn phòng, chung cự, biệt thự... Chúng tôi muốn đa dạng lĩnh vực hơn, trở lại là một cổ phiếu vốn hoá lớn trên sàn chứng khoán TP HCM và để nhà đầu tư nhìn thấy đây là công ty đầy tiềm năng phát triển.
Phương Đông ghi