Trao đổi với VnExpress.net sau thương vụ mua 80% cổ phần tại Công ty TNHH Megastar, Chủ tịch Hội đồng quản trị CGV tại Việt Nam - ông Brian Hall bày tỏ quan điểm lạc quan về tiềm năng thị trường trong nước. Ông cho biết doanh thu sau khi sáp nhập đã có những bước tăng trưởng và đặt ra nhiều kế hoạch với lĩnh vực kinh doanh điện ảnh ở Việt Nam trong thời gian tới.
- Hiện CGV nắm hơn 80% cổ phần tại Megastar và đã đổi tên công ty. Việc thay đổi thương hiệu rạp chiếu phim Megastar và các bộ phận liên quan như phát hành phim hiện được công ty thực hiện đến đâu, thưa ông?
- Ngày 15/1 vừa qua chúng tôi đã công bố ra mắt thương hiệu mới CGV và giới thiệu cụm rạp CGV Celadon Tân Phú. Toàn bộ hệ thống các cụm rạp Megastar trên toàn quốc cũng đã được đổi tên thành CGV.
Ngoài CGV Celadon Tân Phú, những cụm rạp chúng tôi mới xây ở Hạ Long hay Cần Thơ đều mang thiết kế và diện mạo công ty ngay từ đầu. Còn hai rạp có quy mô lớn của Megastar trước đây là CGV Hùng Vương Plaza (TP HCM) và CGV Vincom Bà Triệu đang được sửa đổi, nâng cấp theo hình ảnh thương hiệu mới. Ngoài việc thay đổi về hình ảnh, chất lượng dịch vụ cũng sẽ được duy trì và nâng cao hơn nữa để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khán giả.
Riêng bộ phận phát hành phim – với vị trí là nhà phát hành lớn nhất Việt Nam hiện nay, chúng tôi vẫn giữ nguyên ê-kíp nhân sự cũng như cấu trúc hoạt động từ thời Megastar. Nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để phát hành nhiều phim hay hơn, tạo ra sự lựa chọn phong phú hơn cho khán giả Việt Nam khi đến rạp.
- CGV đã thực hiện kế hoạch mua lại cổ phần của Megastar thế nào thưa ông?
- Nhà đầu tư của Megastar khi đó là Envoy Media muốn bán cổ phần của họ sau khi đã đầu tư vào Megastar gần 6 năm. Cùng lúc đó, CGV – một tập đoàn đa quốc gia đã rất thành công trong mảng vận hành và kinh doanh rạp chiếu phim toàn cầu đang xúc tiến kế hoạch mở rộng thị trường. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng để phát triển. Hai bên đều có nhu cầu, vậy là chúng tôi gặp nhau để đàm phán mức giá hợp lý. Chúng tôi không gặp phải bất cứ khó khăn nào trong khâu đàm phán và đi đến mức giá cả hai bên đều hài lòng.
Việc các nhà đầu tư góp vốn, xây dựng tên tuổi công ty và bán cổ phần trên sàn chứng khoán cho một đơn vị khác khi thương hiệu đủ mạnh là những việc rất bình thường, diễn ra ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới. CGV và MegaStar cũng là một thương vụ tương tự.
Có thể ở Việt Nam, những thương vụ như vậy chưa nhiều nhưng tôi tin chắc đó là quy luật tất yếu của bất cứ doanh nghiệp cổ phần hay liên doanh nào. Nó cũng phù hợp với những doanh nghiệp muốn tiếp cận thêm nguồn vốn mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh và bỏ qua giai đoạn thiết lập ban đầu. Tôi tin trong thời gian tới, khi kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và hội nhập, những thương vụ tương tự sẽ ngày càng phổ biến giữa các công ty Việt Nam và tập đoàn nước ngoài.
- Giàu kinh nghiệm về đầu tư đa quốc gia, ông cho rằng kinh doanh phim ảnh ở Việt Nam có gì khác biệt so với những nước khác?
- Tôi không nghĩ có điểm gì khác biệt trong kinh doanh phim ảnh tại Việt Nam so với các nước khác, có chăng thì đó là cách biệt về mặt thời gian. Trong khi mô hình kinh doanh điện ảnh quốc gia khác đã phát triển đến hàng trăm năm thì tại Việt Nam, những cụm rạp chiếu phim hiện đại, các dự án sản xuất cùng việc phát hành phim mới thực sự phổ biến khoảng 5-6 năm mà thôi.
Xu hướng chung của điện ảnh các nước là ban đầu họ cũng nhập nhiều phim nước ngoài, dần dần tự sản xuất phim trong nước, cố gắng nâng cao chất lượng phim nhờ đạo diễn, biên kịch, diễn viên của chính đất nước họ. Tất nhiên số lượng phim tốt được khán giả đón nhận cũng sẽ tăng lên. Tôi tin chắc thị trường điện ảnh Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trên thực tế dường như khoảng này ngày càng ngắn lại bằng sự phát triển với tốc độ rất nhanh của thị trường điện ảnh Việt Nam thời gian qua.
- Nhiều người cho rằng khi vào Việt Nam, CGV chưa thực sự hiểu về thị trường cũng như nhu cầu của khán giả. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
- Tôi cảm thấy có chút ngạc nhiên với những đánh giá như thế này vì CGV là thương hiệu giải trí số một Hàn Quốc với 16 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Bên cạnh đó chúng tôi còn đầu tư và quản lý rất nhiều cụm rạp chiếu phim tại những thị trường điện ảnh rất phát triển như Mỹ, Trung Quốc.
Có thể cách đây gần 3 năm khi tiếp quản Megastar, CGV vẫn chưa thực sự hiểu rõ về thị trường Việt Nam. Nhưng chúng tôi - những người từng xây dựng Megastar thành thương hiệu số một về điện ảnh ở Việt Nam luôn cập nhật xu hướng và nhu cầu của khán giả Việt để hiểu hơn về thị trường.
Tôi cũng hoàn toàn hiểu khán giả Việt khi đã yêu mến thương hiệu Megastar và gắn bó với cái tên này trong suốt 9 năm qua ban đầu sẽ cảm thấy bối rối khi tiếp nhận một thương hiệu mới. Một số ý kiến cho rằng CGV là một cái tên khó đọc. Đây là tâm lý chung với tất cả những gì khách hàng cảm thấy mới mẻ mà thôi. Cũng như lúc đầu có nhiều người nói rằng cái tên Megastar rất khó đọc, nhưng sau khi trải nghiệm nơi này lại thấy quen thuộc và yêu mến.
Tôi tin chắc rằng trong một tương lai rất gần, CGV là cái tên được khán giả Việt nhắc đến như một cụm rạp chiếu phim không thể không đến. Và quan trọng hơn cả, mục tiêu toàn cầu của CGV là trở thành thương hiệu số một về truyền thông và giải trí. Chúng tôi sẽ không thể đạt được mục tiêu này nếu sử dụng nhiều thương hiệu khác nhau. Việc thống nhất một cái tên trên thế giới sẽ góp phần tạo nên giá trị và sức mạnh cho thương hiệu.
- Hiện tại, Việt Nam có rất nhiều đơn vị kinh doanh rạp chiếu với mức giá thấp hơn hẳn CGV. Ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh sau khi chuyển đổi thương hiệu?
- Chiến lược hoạt động của CGV trên toàn cầu và tại Việt Nam là mang lại những trải nghiệm vượt xa điện ảnh cho khán giả với những sản phẩm và dịch vụ không phải nơi nào cũng có, ví dụ như công nghệ 4DX. Để có những trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời thì việc khán giả phải trả nhiều tiền hơn cũng là điều dễ hiểu.
Chúng tôi chỉ có thể cố gắng đưa ra mức giá phù hợp nhất trong khả năng để nhiều khán giả đến với CGV hơn. Đồng thời, chúng tôi hiểu rằng không phải tất cả khán giả đều sẵn sàng chi trả cho mức giá vé tại CGV và có nhiều người còn chọn lựa không đến hoặc không thể đến mua vé tại bất cứ một cụm rạp nào.
Tuy nhiên, với tất cả những lý do nói trên, CGV tự tin mang đến cho khách hàng trải nghiệm dịch vụ xứng đáng với những gì họ phải chi trả. Chúng tôi vẫn hỗ trợ các rạp chiếu phim khác ngoài hệ thống thông qua kênh phát hành bằng cách mang về những bộ phim hàng đầu.
Và kết quả khán giả Việt Nam chính là người được hưởng lợi từ sự lựa chọn phong phú này. Sau một tháng chuyển đổi thương hiệu, cộng thêm thời điểm vô cùng thuận lợi là Tết Âm lịch – mùa cao điểm nhất trong năm, chúng tôi đã nhận được những tín hiệu khả quan về mặt doanh thu.
>> Xem thêm: Hình ảnh một số phòng chiếu phim mới của CGV
- Ông có kỳ vọng thế nào về doanh thu từ kinh doanh rạp chiếu ở Việt Nam trong thời gian tới?
- Vài năm gần đây mức tăng trưởng trung bình của thị trường điện ảnh tại Việt Nam nói chung là khoảng 30% mỗi năm. Tôi hi vọng năm 2014,con số này không chỉ dừng lại ở đó và tôi tự tin rằng thị trường này sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm kế tiếp. Hi vọng CGV có thể là đơn vị đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng này.
- Trong 5 năm tới, ông có những dự định và kế hoạch gì đối với lĩnh vực kinh doanh phim ảnh ở Việt Nam?
Kế hoạch của chúng tôi đến năm 2017 là mở tổng cộng 30 cụm rạp chiếu phim CGV trên toàn quốc, giữ vững vị trí là nhà phát hành, kinh doanh rạp chiếu phim hàng đầu Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn là đơn vị đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của nền điện ảnh Việt không chỉ bằng những hoạt động chiếu phim hàng ngày mà còn thông qua những chương trình vì cộng đồng. Kế hoạch này bao gồm các lớp học làm phim, những buổi liên hoan phim tại Việt Nam hay Hàn Quốc và chương trình phát triển tài năng làm phim trẻ (Ycineff).
Tường Vi - Nguyên Minh