Quan điểm này được ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) khẳng định khi chia sẻ với báo chí tại cuộc gặp gỡ ngày 14/12.
Đề cập tới điều kiện ràng buộc với nhà đầu tư chiến lược muốn mua cổ phần của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), là phải cam kết bao tiêu sản phẩm của Lọc dầu Bình Sơn, Nghi Sơn trong 10 năm, ông Giang tự tin, thực tế nhà máy không cần đơn vị nào bao tiêu sản phẩm, có thể tự chủ thị trường đầu ra.
"BSR đâu có yêu cầu ai phải bao tiêu, nhưng họ cam kết thì tốt quá", ông nói.
Theo ông Giang, thực tế trong thời gian dài trước đây do áp thuế điều tiết xăng dầu, sản phẩm của Dung Quất chịu mức thuế suất cao hơn so với nhập khẩu từ Hàn Quốc, ASEAN... nhưng vẫn bán sòng phẳng, cạnh tranh cho các đối tác.
"Sản phẩm Dung Quất đã ổn định 7-8 năm nay và bán cho 20 doanh nghiệp đầu mối trong nước, hoàn toàn không có bao tiêu", ông Giang nói, đồng thời nhận định, quy định này (nếu có) sẽ cần thiết cho sản phẩm của Lọc dầu Nghi Sơn hơn là Dung Quất, do thời gian đầu chạy thử máy chất lượng sản phẩm sẽ khó ổn định ngay.
Chia sẻ thêm, ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc BSR cho hay, doanh nghiệp không bắt buộc điều kiện bao tiêu sản phẩm đối với nhà đầu tư chiến lược vì đây là do thị trường, giá cạnh tranh sòng phẳng.
Tung quá nhiều hàng đợt IPO sẽ 'ế, mất giá'
Theo quyết định cổ phần hoá BSR vừa được Thủ tướng phê duyệt, Nhà nước sẽ giữ 43% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này và chỉ 0,21% vốn (khoảng 6,48 triệu cổ phần) được bán giá ưu đãi cho người lao động. Tỷ lệ chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) 7,79% vốn (tương đương gần 242 triệu cổ phần) và sau đó 49% vốn của BSR sẽ được bán cho đối tác chiến lược.
Đề cập tới tỷ lệ IPO lần đầu được cho là khiêm tốn so với nhiều doanh nghiệp cùng họ dầu khí "ra hàng" sắp tới, ông Trần Ngọc Nguyên khẳng định, tỷ lệ này tăng gấp đôi so với kế hoạch xây dựng ban đầu (4%) và được tính toán dựa trên phân tích, đánh giá dòng tiền, sức hấp thụ thị trường.
"Nếu tung lượng hàng quá nhiều sẽ thành hàng ế, mất giá. Vì thế việc tính toán được đưa ra trên cơ sở phân tích kỹ khả năng hấp thụ thị trường. Tỷ lệ IPO gần 8% được đánh giá là giá trị tối ưu", Tổng giám đốc BSR nói, và không ngại bày tỏ tham vọng mục tiêu của doanh nghiệp là bán được 49% cho nhà đầu tư chiến lược sau IPO. Dự kiến Nhà nước sẽ thu về khoảng 4.000 tỷ đồng (gần 200 triệu USD) tại đợt IPO ngày 18/1/2018 và khoảng 1 tỷ USD khi bán 49% cho nhà đầu tư chiến lược.
Tổng giám đốc BSR cho biết, sau khi gửi thư mời tới các nhà đầu tư doanh nghiệp nhận được phản hồi và làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và 5 đối tác là các tập đoàn lớn muốn tham gia đối tác chiến lược. Trong số này có 2 nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh lĩnh vực hoá dầu muốn mua 49%, mức tối đa cổ phần cho phép là World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi).
Một loạt tên tuổi lớn khác, như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Indonesia (Pertamina), SRC (Singapore), Tập đoàn PetroleumBrunei, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) hay PTT (Thái Lan)… cũng đánh tiếng mua cổ phần của BSR.
Ngoài các nhà đầu tư ngoại, Tập đoàn Petrolimex cũng muốn trở thành đối tác chiến lược thông qua mua cổ phần BSR và ưu tiên tiêu thụ tối đa sản phẩm xăng dầu của Dung Quất. Đây cũng là đối tác đã ký thoả thuận hợp tác với BSR hồi tháng 8/2017. Chia sẻ với VnExpress ở thời điểm đó, Chủ tịch Petrolimex - ông Bùi Ngọc Bảo không tiết lộ tỷ lệ mua cụ thể nhưng tham vọng "muốn mua tối đa tỷ lệ sở hữu để trở thành cổ đông chiến lược của Dung Quất".
Anh Minh