Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sáng 12/3, cổ đông đã chất vấn việc nhiều năm qua lãi thuần từ kinh doanh của BIDV ngang ngửa với nhà băng đứng đầu thị trường nhưng chi phí dự phòng luôn tăng lên và ngốn hết lợi nhuận. Cổ đông đặt câu hỏi liệu khi nào ngân hàng đảo ngược được câu chuyện này.
Phản hồi vấn đề này, Chủ tịch BIDV, ông Phan Đức Tú cho rằng rất muốn giảm dự phòng, cải thiện lợi nhuận qua đó tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Tuy nhiên, việc dự phòng tăng mạnh trong nhiều năm qua là kết quả của quá trình phát triển mạnh về quy mô để lại những khiếm khuyết. Trong suốt 4 năm qua, BIDV đặt mục tiêu làm sạch bảng cân đối tài sản, quan điểm đạt hiệu quả trong dài hạn nên trích khá nhiều dự phòng khiến lợi nhuận khiêm tốn so với tổng tài sản.
"Đúng ra, nếu không có Covid-19, hết năm nay BIDV có thể giảm dự phòng tín dụng và cải thiện lợi nhuận hơn nữa", ông Tú nói và cho biết vấn đề này sẽ được giải quyết trong kế hoạch 5 năm tới khi đẩy dự phòng bao phủ nợ xấu lên mức 130%.
"Chúng tôi quyết tâm trong 5 năm tới, số dư dự phòng giảm rõ rệt và lợi nhuận sẽ cải thiện. Mục tiêu lợi nhuận trung bình tăng trưởng 5 năm tới từ 24% đến 38%", ông Tú nhấn mạnh.
Tại đại hội sáng nay, BIDV cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2021 với lãi hợp nhất trước thuế tăng 44% lên 13.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng 10-12%, huy động vốn tăng 12-15%. Tỷ lệ nợ xấu đến hết năm dưới 1,6%.
Trong bối cảnh lợi nhuận năm trước giảm 10%, BIDV đặt mục tiêu 2021 lãi tăng tới 44% nhưng không nhờ việc giảm dự phòng rủi ro tín dụng. Năm nay, nhà băng này vẫn trích dự phòng khoảng 24.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 2020.
Theo lãnh đạo BIDV, động lực tăng trưởng lợi nhuận năm nay đến từ tăng thu ngoài lãi gồm thu từ dịch vụ và thu nợ ngoại bảng (dự kiến 8.000 tỷ). Cuối cùng, động lực lớn nhất để tăng lợi nhuận là tiết kiệm chi phí vốn. Ngân hàng đã đặt mục tiêu tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tăng từ 14% vào cuối 2020 lên tối thiểu 16% vào cuối năm nay.
Ngoài ra, tại đại hội, BIDV cũng thông qua mục tiêu tăng vốn điều lệ 20% lên 48.524 tỷ đồng bằng phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc riêng lẻ. Cụ thể, ngân hàng dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 với tỷ lệ 5,2%, cổ tức năm 2020 tỷ lệ 7% và phát hành thêm 8,5% cổ phần đang lưu hành tại cuối 2020. Chưa rõ cổ đông lớn KEB Hana Bank có tham gia vào đợt phát hành mới hay không.
Bên cạnh đó, ngân hàng miễn nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị độc lập của ông Lê Việt Cường từ 1/5 theo nguyện vọng cá nhân. Cổ đông bầu ông Nguyễn Quang Huy, nguyên Chủ tịch Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam giữ chức thành viên Hội đồng quản trị độc lập BIDV nhiệm kỳ 2017-2022 từ ngày 1/5.
Ông Huy đã có nhiều năm giữ các vị trí quan trọng tại Ngân hàng Nhà nước như Trưởng phòng Vụ quan hệ quốc tế, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Vụ trưởng Quản lý ngoại hối, Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Quỳnh Trang