Tại đại hội cổ đông lần thứ nhất của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển sáng 8/3, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Bắc Hà cho biết, cổ phiếu BIDV sẽ được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM vào khoảng cuối quý II năm nay. Trước đó, ngân hàng này đã có vụ IPO lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam với vốn điều lệ lên tới hơn 28.250 tỷ đồng vào cuối năm 2011.
Về thời điểm và giá chào sàn cụ thể, Chủ tịch BIDV cho biết phải căn cứ vào các điều kiện của thị trường nhưng ông Hà cũng “hứa” sẽ không thấp hơn 150% mức đấu giá bình quân tại thời điểm IPO. Ông cũng cho biết ngân hàng dự kiến chính thức chuyển đổi sang mô hình thương mại cổ phần kể từ ngày 2/5 tới.
Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cho biết, trong năm 2012 ngân hàng này sẽ có thể tìm được đối tác ngoại. Ảnh: Nhật Minh. |
Đối với quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, đại diện lãnh đạo BIDV cho biết đang gấp rút tiến hành với sự hỗ trợ tư vấn của Morgan Stanley. Hiện ngân hàng đã có một danh sách sơ bộ với khoảng 30 nhà đầu tư “thực sự nhiệt tình”. Theo Phó tổng giám đốc Phạm Quang Tùng thì quá trình đàm phán cũng như xin chấp thuận của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo dài khoảng 6 – 9 tháng. “Nếu lựa chọn được vào tháng 4 này thì nhiều khả năng BIDV có đối tác chiến lược nước ngoài vào cuối năm”, ông Tùng cho biết.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Trần Bắc Hà, BIDV được phép bán tối đa 15% vốn điều lệ cho một đối tác ngoại duy nhất.
Về nhân sự, Đại hội cổ đông sáng 8/3 của BIDV cũng đã tiến hành bầu lại Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trong đó ông Trần Bắc Hà tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch. Ông Hà cùng với 2 cá nhân khác cũng được chỉ định làm đại diện phần vốn của Nhà nước (hiện chiếm 95,76% vốn điều lệ). Tuy nhiên, ông Phan Đức Tú (hiện là phó tổng giám đốc) dự kiến trở thành tổng giám đốc, thay ông Trần Anh Tuấn (sẽ đảm nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị).
Về kế hoạch hoạt động sau cổ phẩn hóa, BIDV dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 20 – 25% mỗi năm với mức trả cổ tức “không thấp hơn lãi suất tiết kiệm bình quân 12 tháng”. Riêng trong năm 2012 là 14%. Đại hội cổ đông cũng phê duyệt mức thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát trong năm nay là 0,45% lợi nhuận sau thuế của ngân hàng (lợi nhuận trước thuế được dự kiến ở mức 5.800 tỷ đồng.
BIDV là ngân hàng quốc doanh cuối cùng tiến hành chuyển đổi mô hình hoạt động. Trước đó, 2 ngân hàng là Ngoại thương (Vietcombank) và Công thương (Vietinbank) đã tiến hành cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cũng đã có quyết định cổ phần hóa trong năm 2010.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) gần đây đã chuyển đổi và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu 100% vốn kể từ tháng 2/2011 và chưa có kế hoạch cổ phần hóa.
Theo Phó tổng giám đốc BIDV Phan Đức Tú, dư nợ hiện tại của BIDV cho các doanh nghiệp thuộc Vinashin (kể cả các đơn vị đã chuyển giao cho PVN và Vinalines) là 6.600 tỷ đồng. Phần lớn số nợ này là cho vay khu vực đóng tàu với tài sản bảo đảm lớn. Theo ông Tú, do kinh tế khó khăn nên việc thanh toán tiền của chủ tàu cũng như thanh toán nợ của Vinashin có nhiều chậm trễ. Tuy nhiên, rủi ro mất vốn đối với các khoản vay này là không quá cao. |
Nhật Minh