Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ trả lời báo chí. Ảnh: M.Hương. |
Bên lề lễ ra mắt Quỹ hỗ trợ VĐV Việt Nam do AVG thành lập chiều 5/1, Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đã trở thành trung tâm chú ý của báo chí với những câu hỏi nhằm vào hợp đồng bản quyền truyền hình gây tranh cãi.
Trước việc VPF gửi công văn đến ba Bộ đề nghị xem xét lại tính hợp pháp của bản hợp đồng này, ông Vũ cho biết: "Tôi không bình luận về những điều anh Kiên nói. VPF hoặc cá nhân anh Kiên đang có những cách hiểu không chinh xác. Nếu ngày nào đó anh Kiên nói với tôi “ngồi lại làm rõ chuyện này đi” thì chuyện đâu có như ngày nay".
Cuộc chiến bản quyền truyền hình đã biến thành màn đấu công văn với tốc độ chóng mặt. Bầu Kiên từng kể lại nguồn cơn của "cơn mưa công văn" là do ông đã liên hệ với ông Vũ để bàn về hợp đồng, nhưng ông Vũ nhắn tin đề nghị ông Kiên gửi văn bản. Văn bản đầu tiên xuất hiện và kéo theo những cuộc "đối thoại trên giấy".
Ngoài việc khẳng định tính pháp lý của hợp đồng bản quyền truyền hình, ông Vũ còn đề cập tới việc AVG chia lợi nhuận kinh doanh cho VFF. Hợp đồng bản quyền truyền hình mà AVG ký với VFF không chỉ có giá 6 tỷ (cộng với 10% lũy tiến hàng năm). Ngoài số tiền mặt này, AVG còn cam kết trích 20% lợi nhuận kinh doanh cho VFF. Đây là con số lần đầu được công bố kể từ khi vấn đề bản quyền truyền hình được khơi ra.
Trong khi đó, tại lễ ra mắt Quỹ Hỗ trợ VĐV Việt Nam, AVG tuyên bố sẽ dành 30% lợi nhuận kinh doanh bản quyền truyền hình các giải bóng đá trong nước cho Quỹ. Như vậy, AVG đã tuyên bố trích tổng cộng 50% lợi nhuận từ bản quyền truyền hình đang gây tranh cãi cho VFF và Quỹ hỗ trợ VĐV.
"Lợi nhuận AVG thu được chủ yếu từ kinh doanh quảng cáo. Còn bán bản quyền có được bao nhiêu đâu, đến giờ này vẫn lỗ vì chưa có quảng cáo", ông Vũ nói. Ông Vũ dự tính có lẽ phải từ năm 2013 AVG mới bắt đầu có lãi vì năm nay công ty mới bắt đầu phát sóng.
Minh Hoàng