Nguyễn Đình Ngọc Linh
Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa chị và eVăn.
- Chị muốn mọi người gọi chị bằng "nhà" nào ?
- Tôi đam mê với thơ hơn cả. Là "nhà" nào không quan trọng. Miễn là mình sống hết lòng trong sự đam mê và thành công với công việc của mình. Điều quan trọng đối với người làm báo, hay viết phê bình, làm thơ là phải được độc giả tin cậy, trân trọng khi nhắc đến tên mình.
- Chị luôn xuất hiện trước công luận bằng những bài viết thẳng thắn, có chính kiến. Có ý kiến cho rằng, chị không ưu ái với lớp trẻ - những người đang quyết tâm đi tìm con đưòng đổi mới văn chương?
- Tại sao lại không thể ưu ái với họ? Mọi sự tìm tòi, thể nghiệm rất cần được ủng hộ, đặc biệt là trong văn chương, nghệ thuật. Tôi đã rất thích thú khi đọc những trang viết thể nghiệm của Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thuý Quỳnh, Nguyễn Hưng Hải, Tuyết Nga... Tôi ủng hộ họ, nếu sự đổi mới ấy không phải được khoác bên ngoài tấm áo cách tân kỳ dị, loang lổ, phản cảm, phi thẩm mỹ, phi đạo đức. Văn chương, trước hết phải vì con người, vì khát vọng và giấc mơ đẹp của con người. Dẫu viết về cái xấu, cái ác, cái buồn đi chăng nữa, cũng phải được nhìn nhận ở những giá trị nhân văn, hướng thiện, tạo niềm tin cho độc giả. Không thể đem lăng kính chủ quan lệch lạc, cảm tính, xa lạ với con người và xã hội để cho rằng đó là sự cách tân, đổi mới... Rất tiếc, nhiều cây bút trẻ đã hiểu nhầm khái niệm cách tân, đổi mới, đem đồng nhất khái niệm này với cái nghịch dị về ngôn từ, tư tưởng và phong cách biểu hiện. Chính vì vậy, cuộc thể nghiệm của họ trong hai tiếng cách tân đã bị chìm trong quên lãng. Vì nó xa lạ với đời sống văn học nghệ thuật, xa lạ với công chúng.
- Chị là người có nhiều bài phê bình về thơ và những vấn đề xoay quanh thơ. Hình như chị không hài lòng với sự thể nghiệm, cách tân của thơ ở một số cây bút trẻ, như nhóm tác giả "Dự báo phi thời tiết" chẳng hạn?
- Thành thực mà nói, tôi không cho rằng tập thơ này là sự tìm tòi để tìm một hướng đi mới cho thơ. Bởi nó chưa đủ tầm để có thể lay thức, hấp dẫn độc giả ở sự cách tân và những điều mới mẻ. Tôi cũng nghĩ rằng, tại sao các tác giả trẻ lại có thể dễ dàng, tuỳ tiện với văn chương đến thế. Thơ phải là một cái gì đó rất đẹp và thiêng liêng, nó là kết quả của sự thăng hoa bất ngờ của cảm xúc, là sự dồn nén tích tụ của những trải nghiệm, trăn trở, đớn đau và hạnh phúc. Nếu đọc thơ, cốt chỉ để tìm lại một cảm giác rùng mình không cần thiết, chỉ thấy ngột ngạt và nhận ra thế giới và cảm xúc con người sao lại "bẩn", lem luốc đến như vậy, quả là điều khổ tâm nhất đối với nhà thơ.
![]() |
Nhà phê bình Chu Thị Thơm. |
- Chị nghĩ sao trước ý kiến cho rằng, nghệ thuật biểu diễn thơ là một hướng tiếp cận thơ mới mẻ?
- Thú thật là tôi thật sự thất vọng và khổ tâm khi thơ bị mang ra diễn trò, với tiếng la hét, với những động tác kỳ dị, trong mớ âm thanh hỗn loạn ở sân thơ Văn Miếu trong ngày thơ Nguyên Tiêu vừa qua. Thơ là nghệ thuật ngôn từ, cần phải được đọc bằng mắt, sau đó mới cần được nghe. Thơ không phải là để xem, để áp đặt lên đó những tiêu chí không phải là thơ. Những động thái ấy đã làm hại thơ, khiến thơ càng xa người đọc. Thẩm thơ cũng phải có tâm trạng, không gian đặc biệt, không phải tuỳ tiện, ồn ã và huyên náo. Cái đó dành cho loại hình nghệ thuật biểu diễn như kịch nói, chèo, tuồng... Chắc không riêng mình tôi mới có cảm nhận này.
- Đọc phê bình văn học của chị, độc giả nhận ra chị rất dị ứng với sex trong các tác phẩm văn chương?
- Tôi nghĩ, những cái gì thuộc về con người và đời sống xã hội đều cần phải có trong văn học nghệ thuật. Nhưng, điều quan trọng là khi mô tả hay khai thác đề tài này, tác giả cần phải có tầm, có tài, có phông văn hoá mới thể hiện thành công. Nếu không, đó chỉ là những bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết phản cảm, làm bẩn thị giác người đọc. Lâu nay, đề tài sex đã không còn xa lạ đối với văn học. Nhưng không phải ai cũng thành công. Sex là đối tượng phản ánh hay chỉ là phương tiện biểu hiện? Nó là sự bức xúc tâm lý cá nhân cần phải được giải toả hay là một vấn đề của đời sống xã hội? Tất cả những điều này, nhà văn cần phải xác định được rõ. Khi đã xác định được thì sex phải được nhìn nhận ở góc nhìn văn hoá. Để những tác phẩm không phải là biểu hiện của một sự câu khách, kích dục rẻ tiền, nhà văn phải lớn hơn, vượt qua những trang viết của mình. Tính tư tưởng, đề tài, phong cách biểu hiện... của nhà văn sẽ giúp cho độc giả nhận diện đúng những vấn đề nhạy cảm, không chỉ riêng sex. Nếu không có tính nhân văn, không có thế giới quan và nhân sinh quan tích cực, lành mạnh, sớm muộn tác phẩm cũng bị độc giả tẩy chay và sẽ bị chìm trong quên lãng. Không phải ai cũng đủ tài và tầm như nhà thơ Hồ Xuân Hương. Khi viết về sex nữ sĩ đã dùng cả một hệ thống hình tượng của đời sống hiện thực, khoác lên nó một ý nghĩa tư tưởng mới với nhân sinh quan và thế giới quan tích cực. Điều đó lý giải tại sao những tác phẩm của nữ sĩ họ Hồ lại sống mãi với thời gian. Điều quan trọng là qua sex độc giả không phải tìm về ngập chìm trong sex, nặng nề bởi sex. Nếu không, tác phẩm chỉ là dâm thư, không hơn không kém.
- Hiện nay các tác phẩm văn chương đang có xu hướng đi vào những góc khuất nhỏ bé của đời sống và thân phận con người. Chị đánh giá thế nào về điều này?
- Xưa nay, những tác phẩm được độc giả chú ý không hẳn là phản ánh những vấn đề lớn lao của cuộc sống. Đôi khi chỉ một vài tình tiết, qua sự khám phá, thể hiện một cách tài hoa với nhãn quan tích cực của nhà văn thì tác phẩm ấy đã thành công rồi. Trong quan hệ giữa điểm và diện, nhiều khi qua điểm, ta thấy cả một thời đại, thấy diện lớn hơn bao trùm trong đó. Không phải nhà văn nào cũng đủ vốn sống, độ trải nghiệm để nhận diện và phản ánh bao quát bức tranh đa diện của cuộc sống. Vấn đề là nhà văn phải có tài để điều khiển nhân vật và sự kiện theo ý mình một cách logic, dù là trong thế giới ảo của văn học. Theo tôi, không phải cứ viết về những sự kiện lớn lao mới bộc lộ sự vĩ đại, thành công của tác phẩm văn học.
- Hầu hết các nhà văn nữ đều có cuộc sống gia đình không mấy bình yên, hạnh phúc, chị có cho rằng đó là bởi nghề nghiệp chi phối không?
- Không phải ai cũng dễ dàng chia sẻ với những nhọc nhằn mang tính đặc thù của nghề nghiệp văn chương. Sự đam mê nghề nghiệp cũng là một nguyên nhân dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình, nếu như người thân không hiểu và chia sẻ. Nhưng nếu sự tồn tại hôn nhân chỉ là gá tạm, giả dối và cản trở đến sự đam mê nghề nghiệp thì các nhà văn nữ có bản lĩnh đều chọn cho mình sự ra đi. Tất nhiên, không phải ai cũng bất hạnh và muốn chia tay, xa rời tổ ấm của mình. Để có được cuộc sống hạnh phúc theo nghĩa thông thường quả thật không phải là dễ dàng.
- Chị quan niệm thế nào là hạnh phúc?
- Tôi cho rằng, hạnh phúc là được sống và hết lòng cho một tình yêu đích thực, cho một tình cảm lớn lao mà người khác đã dành cho mình. Và nó chỉ bền vững khi người trong cuộc được lớn lên, sống có ý nghĩa hơn khi nghĩ về nhau và sống bên nhau.
- Trong thơ chị tràn ngập khát vọng về bình yên và hạnh phúc, khát vọng về tình yêu đích thực. Chẳng lẽ đó chỉ là khát vọng?
- Thơ là sự biểu hiện cảm xúc có thật, một đời sống tình cảm có thật. Không ai dối mình được trong thơ. Nếu không có tình cảm lớn lao, không có một con người cụ thể để nhà văn, nhà thơ sống hết lòng, có ý nghĩa trong cuộc đời này thì khó có thể viết được những vần thơ. Tình yêu chỉ được tin cậy, thừa nhận khi nó thực sự đẹp, khi nhắc đến nó người trong cuộc cảm thấy tự hào, thanh thản, tin cậy và hạnh phúc. Những gì na ná tình yêu, nhái tình yêu và giả tình yêu đều không có giá trị và chỉ là trò nhảm nhí làm cho chính người trong cuộc cảm thấy mệt mỏi, thất vọng. Câu nói trao gì nhận nấy, rất đúng theo lý thuyết thông thường. Nhưng không phải đúng cho tất cả. Tôi sợ nhất là mình gặp phải cảnh trớ trêu: "trao vàng nhận cám". Tôi đã từng thất vọng nhưng chưa bao giờ tuyệt vọng.
- Đọc thơ chị, thấy rõ sự thất vọng cùng nỗi buồn mang tính triết lý nhân sinh và thế sự ? Có một "nhân vật" cụ thể ngoài đời để chị thăng hoa và hết lòng cho thơ không?
- Trong thơ, khó có thể giấu được chính mình. Đó là một sự thật. Kể cả rồi mai đây, nếu không còn một con người cụ thể nữa ngoài đời, tôi vẫn hết mình cho thơ và vì thơ. Ai cũng muốn những tác phẩm của mình đến với số đông công chúng, được công chúng đón nhận một cách nhiệt thành. Nhưng đã có lúc, tôi nhận ra rằng, có tác phẩm, chỉ viết cho một người là đủ. Ai làm cho tôi hạnh phúc nhiều hơn là khổ đau, thì người ấy xứng đáng ngự trị trong trái tim tôi và trong thơ tôi. Thơ không phù phiếm với tôi và với cuộc đời này. Tôi không muốn cảm xúc của mình chi phối để con chữ đau đớn. Không muốn một chút nào...
Nguyễn Đình Ngọc Linh thực hiện