-
08h24
Tại bản án ngày 5/12/2014, TAND Hà Nội cho rằng có đủ căn cứ kết luận Nguyễn Mạnh Tường phẫu thuật cho chị Lê Thị Thanh Huyền khi Thẩm mỹ viện Cát Tường chưa có giấy phép thực hiện việc này. Khi khách hàng tử vong, bị cáo đã cố tình phi tang bằng cách ném xác xuống sông.
"Hành vi của bị cáo làm tổn thất nghiêm trọng về tinh thần cho gia đình nạn nhân, làm tổn hại đến uy tín y đức của ngành y tế. Dù nhân thân của bị cáo tốt, bố có nhiều huân huy chương và bản thân Tường cũng có bằng khen của Bộ Y tế nhưng vẫn cần phải xử nghiêm mới đủ tính răn đe", bản án nêu.
Tòa tuyên phạt bị cáo Tường 14 năm về tội Vi phạm quy định về khám chữa bệnh, 5 năm tội xâm phạm thi thể. Tổng hợp hình phạt là 19 năm.
Bị cáo Tường bồi thường 585 triệu đồng, cấp dưỡng cho con chị Huyền mỗi cháu một triệu một tháng đến khi đủ 18 tuổi, bị cấm hành nghề 5 năm sau khi mãn hạn tù.
Với người cùng đi vứt xác với Tường là nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh, tòa xác định phạm tội khi còn nhỏ nên tuyên phạt 24 tháng về tội Xâm phạm thi thể, 9 tháng tội Trộm cắp tài sản, tổng cộng 33 tháng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình nạn nhân và Khánh không kháng cáo. Duy nhất Tường chống án, đề nghị xem xét lại toàn bộ phán quyết của tòa sơ thẩm. Ở phần dân sự, vợ bị cáo Tường đề nghị được tòa phúc thẩm tuyên trả giá trị của nửa chiếc ôtô đang bị tịch thu.
-
8h30
Trong Tòa án Tối cao tại Hà Nội, khi HĐXX phúc thẩm ra chưa làm việc, Nguyễn Mạnh Tường và nhân viên cũ Đào Quang Khánh ngồi cùng nhau trên băng ghế sau vành móng ngựa. Mỗi người nhìn một hướng, không trao đổi.
Phía ngoài cổng tòa, các nhân viên tòa án đang làm thủ tục để người thân nạn nhân và người liên quan vào dự. Bố mẹ nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền có mặt.
-
8h40
Thẩm phán chủ tọa Đỗ Hữu Quang bắt đầu kiểm tra căn cước bị cáo Nguyễn Mạnh Tường cùng những người được tòa mời, triệu tập.
Tường có luật sư bảo vệ quyền lợi là bà Chu Thị Trang Vân. Vợ bị cáo ngồi cách chồng một hàng ghế.
Khoảng 50 người tham dự phiên xử, trong số này có 15 người thân của nạn nhân.
-
9h15
Chi tiết vụ án được chủ tọa đọc lại trước khi bắt đầu thẩm vấn. Tường đứng im, hai tay đan chéo, chăm chú lắng nghe. Theo đó, bị cáo là bác sĩ khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ngày 3/5/2013 mở trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường với 24 nhân viên, thuê Lê Thị Thuý Mai làm quản lý.
Chiều 19/10/2013, sau ca phẫu thuật nhiều tiếng do Tường thực hiện, chị Huyền bị co giật, sùi bọt mép. Lúc này đã rời đi lễ chùa, từ xa Tường bảo nhân viên tiêm thuốc trợ tim rồi nhờ đồng nghiệp tới giúp. Khi về, Tường tiếp tục cấp cứu song nạn nhân đã vong.
Để che giấu hành vi, Tường chỉ đạo nhân viên dọn dẹp các tài liệu, máy tính mang về nhà Mai. Chăn ga, gối bệnh nhân nằm mang vứt. Trong lúc dọn dẹp, thấy chiếc iPhone5 của chị Huyền, bảo vệ 17 tuổi Đào Quang Khánh đã lấy trộm.
Tối hôm đó, Tường cùng vợ, Khánh và một bảo vệ mang xác chị Huyền vào ôtô định đưa đến một bệnh viện gần nhà để lại nhưng thấy đông người nên không thực hiện. Tường và Khánh sau đó bàn nhau mang xác lên cầu vứt phi tang.
-
9h35
Được tòa hỏi lại nội dung kháng cáo, Tường trình bày chỉ đề nghị được xem xét giảm nhẹ hình phạt; rút chống án cho rằng tòa sơ thẩm xét xử không đúng tội danh và cáo trạng có nhiều điểm chưa đúng.
Dù không kháng cáo nhưng Đào Quang Khánh bị thẩm vấn đầu tiên. Nhân viên bảo vệ này cho hay không biết gì chuyện xảy ra ở trong Thẩm mỹ viện Cát Tường vì chỉ ở ngoài trông xe. Thấy đồng nghiệp nhốn nháo, hoảng sợ, nói có người chết, Khánh vào thấy chị Huyền nằm bất động. Trong lúc dọn dẹp phi tang, Khánh đã lấy chiếc iPhone5 của chị này.
Khánh nhận khoảng 23h hôm đó cùng tham gia bê xác chị Huyền lên xe của Tường, tuy nhiên không bàn bạc việc đưa thi thể đến để lại tại bệnh viện.
Khi chủ toạ công bố lời khai của Tường rằng Khánh đề xuất vứt phi tang, ngay lập tức bị cáo này phủ nhận. "Anh Tường nói: 'Hay là đi vứt', bị cáo không nói gì và đồng tình", Khánh khai và nói Tường là người đẩy xác ra khỏi thành cầu.
Trong lúc Khánh trình bày, Tường thở dài, cúi gằm mặt.
-
10h15
Vợ bị cáo Tường là Nguyễn Thị Hằng trả lời thẩm vấn bằng giọng nhỏ nhẹ cho biết khoảng 17h ngày 19/10/2013 được chồng thông báo có khách hàng tử vong nên đến ngay Thẩm mỹ viện Cát Tường. Người phụ nữ này khai đã can ngăn vứt xác bệnh nhân khi chồng lái xe đến gần khu vực cầu Thanh Trì.
Chị Hằng cho hay giữ nguyên kháng cáo đề nghị được lấy lại giá trị của nửa chiếc ôtô đang bị tịch thu. "Xe mua từ năm 2012 bằng trả góp và tiền tiết kiệm. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi muốn xin lại một phần chiếc xe để có thể trang trải, bù đắp thiệt hại cho gia đình nạn nhân", vợ Tường nói và cho biết từ sau phiên sơ thẩm đã bồi thường tiếp hơn 120 triệu đồng.
-
10h30
Bị cáo Tường khai không chỉ đạo thu dọn đồ mang phi tang ngay khi chị Huyền tử vong. "Bị cáo không có ý tưởng vứt xác, mà do Khánh đề xuất", chủ thẩm mỹ viện Cát Tường trình bày.
Tường cho hay trong quá trình bị tạm giam đã suy nghĩ nhiều nên thay đổi nội dung kháng cáo. "Chỉ vì một phút sơ xuất mà xảy ra việc vậy. Bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để được sớm về với vợ con. Trong quá trình công tác bị cáo chưa để xảy ra sai sót gì, chưa có tiền án, tiền sự và có cống hiến cho xã hội", Tường nói và liên tục lau nước mắt đến khi đã được ngồi xuống.
-
10h50
Bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ nạn nhân Huyền, nhẹ nhàng trình bày: "Tại phiên sơ thẩm anh Tường đã liên tục cãi. Nếu anh Tường có lương tâm thì con tôi đã không như vậy. Dù không thoải mái với mức án nhưng chúng tôi không kháng án do nghĩ cho mẹ già, con còn chưa lớn của anh ta. Chỉ mong phiên toà này là phiên cuối cùng để chúng tôi không phải chịu những đau đớn khác nữa".
HĐXX sau đó chuyển sang phần tranh tụng.
-
11h15
Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng lời khai của Tường không có gì mới. Việc tòa sơ thẩm tuyên tịch thu chiếc ôtô, phương tiện chở xác chị Huyền, là chính xác. Với nhận định trên, cơ quan công tố đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm giữ nguyên các phán quyết của án sơ thẩm.
Nói lời sau cùng trước khi tòa nghỉ nghị án, Tường trình bày: "Bị cáo rất đau xót trước việc làm của mình. Bị cáo mong HĐXX bao dung, giảm nhẹ mức phạt".
Trước đó, bào chữa cho bị cáo Tường, luật sư Chu Thị Trang Vân cho rằng việc chị Huyền tử vong là "rủi ro không ai muốn". Thân chủ của bà đã thực hiện nhiều thao thác cấp cứu song bất lực nên hoang mang, không đủ bình tĩnh.
"Trước khi xảy ra vụ án, Tường là bác sĩ tốt, chỉ vì hành động thiếu suy nghĩ nên phải ra trước vành móng ngựa hôm nay. Kính mong toà xem xét tới nhân thân của bị cáo, việc thay đổi kháng cáo và đã nhận tội cho thấy Tường ăn năn, hối cải", nữ luật sư trình bày.
-
12h15
Bản án phúc thẩm xác định lời khai của bị cáo Tường tại phiên toà hôm nay cơ bản phù hợp với lời khai của Khánh và những người làm chứng. Cơ sở của Tường không có giấy phép phẫu thuật thẩm mỹ. Vào thời điểm xảy ra vụ án, Tường đang là viên chức của Bệnh viện Bạch Mai.
Việc mở và làm chủ thẩm mỹ viện Cát Tường, dẫn đến việc làm chết chị Huyền là vi phạm quy định khám chữa bệnh, làm mất uy tín của bệnh viện nói riêng và cả ngành y tế nói chung, làm niềm tin của nhân dân vào ngành y tế giảm sút.
"Khi chị Huyền tử vong, Tường vứt xác là nhằm che đậy hành vi khám chữa bệnh trái phép. Đáng lẽ, bị cáo phải giữ nguyên hiện trường, báo cho chính quyền", bản án nêu.
HĐXX nhận định, dù bị cáo nhân thân tốt, có công trong công tác, vợ đã khắc phục một phần hậu quả... nhưng cũng không có thêm căn cứ để xét giảm án.
Về kháng cáo đề nghị được lấy lại giá trị nửa chiếc ôtô của vợ Tường, HĐXX cho rằng người phụ nữ này đã cùng chồng sử dụng xe chở xác nạn nhân đi phi tang, vì thế việc tòa sơ thẩm tuyên tịch thu sung công là có cơ sở.
Sau khoảng 4 tiếng làm việc, Tòa án cấp cao tại Hà Nội tuyên bác kháng cáo của Tường và vợ, y án phạt Tường tổng cộng 19 năm tù.