Trưa 21/3, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt Phan Thế Thượng (63 tuổi, quê Sóc Trăng) - chủ tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh. Trước đó, hai tài công Trần Văn Giang (36 tuổi, quê Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê Sóc Trăng) cũng bị bắt để điều tra Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy khi chạy sà lan đâm sập cầu Ghềnh.
Theo lời khai ban đầu của 3 nghi can, ông Thượng lái tàu kéo sà lan chở cát do từ Trà Vinh về Đồng Nai từ ngày 17/3. Khi đến địa phận TP HCM vì có việc nên ông Thượng lên bờ, giao tàu kéo sà lan cho hai phụ việc là Giang và Lẹ (không có bằng lái) chạy về Đồng Nai.
Khi tàu kéo đến cầu Ghềnh, gặp dòng nước xoáy, do cả hai không có kinh nghiệm chui cầu nên để sà lan bị lệch. Giang định kéo sà lan lại nhưng máy tàu kéo bất ngờ tắt. Cả hai luống cuống để mạn trái sà lan đâm vào mố cầu, gãy nhịp. Sau tai nạn, sà lan lật úp, tàu kéo bị chìm. Giang và Lẹ được mọi người vớt lên, sau đó cả hai gọi điện cho ông Thượng báo tin rồi cùng nhau trốn về quê.
Cơ quan chức năng cũng xác định, tàu kéo sà lan gây sập cầu Ghềnh, mang biển kiểm soát TP HCM của ông Thượng, đã hết hạn đăng kiểm gần 3 tháng trước.
Trưa 20/3, tàu kéo sà lan chở cát chạy từ TP HCM về Đồng Nai, khi đi qua cầu Ghềnh đã đâm gãy một mố cầu, 2 nhịp sập xuống nước. Nhiều người chạy xe máy trên cầu bị kéo tuột xuống mé nước. Nhiều lực lượng cứu hộ được triển khai để bảo vệ hiện trường, tìm kiếm người gặp nạn, trục vớt xe máy...
Tai nạn khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt. Ngành đường sắt phải dùng xe khách chuyên chở hàng nghìn hành khách từ ga Sài Gòn lên ga Biên Hòa để di chuyển và ngược lại. Tuyến đường sông qua khu vực này cũng được phong tỏa. Bộ GTVT cho biết phải mất từ 3 đến 5 tháng mới khắc phục được sự cố.
Phước Tuấn