"Trước khi tàu va chạm, đoạn sông bị nhiều sà lan chở cát che khuất tầm nhìn. Lúc nhìn thấy phà ngang sông, tài công ước tính có thể vượt qua nhưng đến gần thì không thể tránh", ông Nguyễn Hoàng Hộ, chủ tàu Hàng Châu nói và cho biết đang cùng tài công của hãng, phối hợp cơ quan điều tra, làm rõ nguyên nhân tai nạn.
Theo ông Hộ, mùa này nước trên sông Tiền chưa chảy xiết, cầm lái không khó, nếu cả hai tài công thận trọng hơn, có lẽ va chạm đã không xảy ra. Sau tai nạn, ông đã nhắc nhở toàn bộ tài công, khi chạy tàu qua những điểm giao cắt với phà ngang sông phải đặc biệt lưu ý, không được chủ quan.
Tàu Hàng Châu nhận khách đoàn và khách lẻ theo tuyến đã đăng ký Phnom Penh (Campuchia) đi Châu Đốc (An Giang), đội tàu gồm 7 chiếc, mỗi ngày có hai lượt đi và về, giá vé một triệu đồng một lượt. Hãng chỉ chở khách chứ không dẫn tour đến các điểm tham quan.
Chiều 19/4, tài công Phan Thành Được, 42 tuổi, lái tàu Hang Chau Tourist Express Boat chở 42 khách khởi hành từ Phnom Penh lúc 13h, dự kiến đến Châu Đốc lúc 18h. Theo lịch trình, đoàn nghỉ ngơi một đêm ở Châu Đốc, hôm sau tham quan An Giang, đến ngày 21/4 sẽ lên TP HCM.
Tuy nhiên, khi tàu vừa chạy vào đoạn sông cách biên giới khoảng một km, đến xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang, đã va chạm với phà chở khách đang vào bờ, do ông Võ Văn Nhân (49 tuổi) điều khiển. Mũi phà đâm mạnh vào mạn tàu, nam hướng dẫn viên 36 tuổi, ở địa phương, bị mảnh sắt cắt lìa cánh tay phải, gãy hai chân. Hai du khách người Đức và Pháp (57-67 tuổi) bị chấn thương ở chân. Cả ba đã được chuyển lên TP HCM điều trị.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định cả tài công tàu Hang Chau Tourist Express Boat và người lái phà đều không có nồng độ cồn, âm tính ma túy.
"Tài công chạy tàu có đầy đủ bằng cấp và chứng chỉ, kinh nghiệm lái tàu hơn 10 năm", bà Hoàng Thị Minh Đăng, điều hành tour tuyến của hãng tàu du lịch Hang Chau Tourist Express Boat, nói.
Phà Vĩnh Xương đã hoạt động hàng chục năm qua, trước tuyến tàu du lịch hình thành. Ông Đặng Văn Quang, chủ phà ngang sông cho biết phà chạy theo giấy phép, có đầy đủ biển báo, bến bãi theo quy định. "Công an đang điều tra vụ việc nên tôi không thể đưa ra quan điểm lỗi thuộc bên nào", ông Quang nói.
Theo Sở Giao thông Vận tải An Giang, hiện chưa có quy định bắt buộc phương tiện đường thủy phải gắn thiết bị giám sát hành trình để ghi nhận tốc độ. Tùy thiết kế mỗi phương tiện sẽ quy định tốc độ chạy. Riêng các khu vực có điểm giao cắt với đò, phà ngang sông sẽ có biển cảnh báo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch An Giang, cho biết đầu tuần sau sẽ chỉ đạo phòng quản lý du lịch, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp du lịch, lữ hành xây dựng phương án, đảm bảo an toàn cho du lịch, không chỉ tàu mà tất cả phương tiện khác.
"Lần này phải rút kinh nghiệm sâu sắc, phải tính toán gấp, lên kế hoạch ngay nhằm đảm bảo an toàn cho du khách", ông Hiệp nói và cho biết riêng hãng tàu Hàng Châu Sở sẽ kiểm tra hoạt động, có hướng xử lý nếu sai phạm.
Về sức khỏe các nạn nhân, hôm nay nam hướng dẫn viên được bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật, riêng cánh tay bị đứt lìa do tổn thương nặng không thể nối. Tình trạng nạn nhân khá nặng, bị chấn thương ổ bụng, hai chân. Hai du khách Đức và Pháp bị đứt mô mềm ở chân, gãy chân đã được phẫu thuật và đang điều trị ở Bệnh viện FV. Hãng tàu cam kết thanh toán toàn bộ chi phí chữa trị cũng như cắt cử nhân viên chăm sóc người gặp nạn.
Với các du khách còn lại, người điều hành tour tuyến của hãng tàu du lịch Hang Chau Tourist Express Boat cho biết, sau tai nạn, họ được tàu tiếp ứng đưa về Châu Đốc như kế hoạch. Hãng tàu phụ trách đưa khách theo tuyến đã đăng ký. Công ty lữ hành đưa đoàn khách tham quan ở Châu Đốc.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang, cho biết đã trực tiếp thăm hỏi, gửi lời xin lỗi đến đoàn du khách. Qua trao đổi, đoàn du khách góp ý An Giang nên có đường dây nóng xử lý sự cố phát sinh. Họ cho biết hài lòng với tinh thần xử trí cầu thị của hãng tàu và địa phương.
Ngọc Tài - Đình Văn