Trong thông cáo báo chí hôm 24/10, nhà chức trách cho biết Bộ Tư pháp Mỹ và chủ sở hữu tàu container Dali đã đạt thỏa thuận trên.
Bản thỏa thuận được đưa ra một tháng sau khi Bộ Tư pháp kiện chủ sở hữu tàu Dali, Grace Ocean Private Ltd. và đơn vị quản lý Synergy Marine Group, cả hai đều có trụ sở tại Singapore.
Yêu cầu bồi thường này là số tiền mà chính phủ Mỹ tính toán đã chi để ứng phó với thảm họa và dọn sạch xác tàu cùng các mảnh vỡ của cây cầu khỏi Cảng Baltimore để mở cửa trở lại vào tháng 6.
Tuy nhiên, do thỏa thuận không bao gồm chi phí tái xây dựng cầu, nên bang Maryland đã đệ đơn kiện độc lập, yêu cầu công ty bồi thường thiệt hại 2 tỷ USD. Cầu dự kiến xây xong và đưa vào sử dụng vào mùa thu 2028.
Tàu Dali dài khoảng 300 m, rộng 48 m, sáng sớm 26/3 đang chở đầy container từ Baltimore đến Sri Lanka thì hệ thống lái bị hỏng do mất điện. Trước sự cố, thủy thủ tàu thông báo động cơ ngừng hoạt động, toàn bộ con tàu không thể điều khiển. Họ đã cố gắng thả neo, nhưng không ngăn được con tàu trôi tự do với vận tốc khoảng 15 km/h và đâm vào một trụ cầu và kéo theo vụ sập toàn bộ cây cầu. Sáu người đàn ông trong một đội sửa cầu, khi đó đang lấp ổ gà trong ca trực đêm, đã tử nạn.
Theo cáo buộc của Bộ Tư pháp, hệ thống điện và cơ khí trên tàu khi đó đã không được bảo dưỡng đúng cách.
Kênh được mở cửa trở lại hồi tháng 6, sau khi hơn 50.000 tấn mảnh vỡ được dọn dẹp. Riêng tàu hàng Dali mắc kẹt giữa đống đổ nát trong gần hai tháng, với những giàn thép đổ sập phủ lên mũi tàu bị hư hỏng.
Hơn 1.500 người ứng cứu cá nhân, cùng với 500 chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới, đã vận hành một đội tàu, có sự tham gia của 56 cơ quan liên bang, tiểu bang và địa phương.
Bộ Tư pháp đã đệ đơn kiện lên tòa án chỉ vài ngày sau vụ tai nạn. Cơ quan này cũng tính toán, tai nạn có thể kéo theo vụ kiện thương vong hàng hải tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ. Bởi ngoài vụ kiện của Bộ Tư pháp và chính quyền Maryland, hồ sơ tòa án cho thấy công ty đang đối mặt hàng chục khiếu nại pháp lý khác. Nguyên đơn là gia đình nạn nhân, các công ty có hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng do vụ sập cầu và các đơn vị kinh doanh vận tải khác.
Cầu Francis Scott Key được xây dựng từ năm 1977 và có vai trò huyết mạch với giao thông trong khu vực. Tai nạn này làm tê liệt hoạt động lưu thông hàng hải của tàu thuyền từ cảng Baltimore, một trong những cảng tấp nập nhất ở Bờ Đông nước Mỹ.
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Phòng Thương mại Maryland cho biết có 35.000 người sử dụng cầu Francis Scott Key để đi lại hàng ngày và cảng Baltimore tạo ra hơn 15.000 việc làm trực tiếp. Ước tính, vụ sập cầu khiến nước Mỹ thiệt hại 15 triệu USD mỗi ngày.
Hải Thư (Theo AP, Reuters)