Thứ bảy, 11/1/2025
Chủ nhật, 20/11/2022, 11:37 (GMT+7)

Chủ spa chi hàng trăm triệu làm vườn trong phố

Hà NộiChị Nguyễn Thương ở quận Nam Từ Liêm khiến bạn bè, người thân ngạc nhiên khi đầu tư hàng trăm triệu đồng vào hệ thống chậu trồng cây, nhà màng, máy xử lý nước loại bỏ kim loại nặng... để làm vườn sân thượng.

Luôn có đam mê với trồng rau, làm vườn, nên khi sửa sang lại spa của mình mới đây, Nguyễn Thương, 28 tuổi, quyết định cải tạo sân thượng để làm một khu vườn với tiêu chí không chỉ sạch, mà còn đẹp và hiện đại.

"Mình tham khảo kinh nghiệm làm vườn của nhiều người, cuối cùng chọn một hệ thống chậu màu trắng chứa được nhiều đất, tối ưu được diện tích trồng. Ưu điểm nhất là các chậu này là có thể lọc bỏ nước tưới cây dẫn về một đầu xả, không thải ra vườn, nên không ảnh hưởng đến trần", Nguyễn Thương chia sẻ.

Sân thượng rộng 50 m2, trong đó diện tích trồng cây khoảng 30 m2, nằm trên tầng 7. Vườn sử dụng bốn loại chậu để phục vụ các loại cây trồng khác nhau.

Đầu tiên là chậu cố định, chứa được rất nhiều đất. Thương dùng nó trồng các loại rau nước như cải xoong, rau cần, rau muống, cho đến các loại cải, súp lơ, xà lách. Thứ hai là loại chậu ghép, thường đặt chạy dài theo các góc vườn, kích thước dài bao nhiêu tùy ý. Ở đây, gia chủ hay trồng các loại cà chua, đỗ, dưa chuột...

Loại chậu cố định hình tròn này có thể di chuyển khắp nơi, rất thích hợp trồng su hào, bắp cải. Ngoài ra, Thương còn có loại chậu kẹp ban công, hiện trồng dâu tây.

Chi phí cho hệ thống chậu, giá đỡ, đất trồng trộn sẵn, cùng hệ thống tưới, quạt đối lưu, đèn năng lượng mặt trời là hơn 100 triệu đồng.

Nguyễn Thương quan niệm, không phải cứ tự tay trồng là có rau sạch, mà cần kiểm soát cả phân, đất, nước, không khí. Bởi vậy, cô làm nhà màng giúp ngăn chặn ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh và lọc bụi. Hệ thống lọc nước đầu nguồn, nhằm loại bỏ kim loại nặng, cũng như các loại tạp chất không ảnh hưởng đến rau.

"Vợ chồng mình đều rất thích ăn rau sống nên chỉ tự trồng mới yên tâm. Hơn nữa, chúng mình vốn khó khăn đường con cái, chỉ muốn những gì tốt nhất cho con, đó là động lực lớn nhất cho mình làm vườn này", mẹ của cặp song sinh 29 tháng tuổi, cho hay.

Vườn thường trồng các loại rau dòng F1 như cải keo, cải wasabi, củ cải Hàn Quốc, các loại đậu đỗ, dưa leo. Thương làm rất kỹ khâu chọn giống để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cao, năng suất và hạn chế được sâu bệnh.

Trong hình là loại cải wasabi, giống rau của Nhật, dùng cuốn thịt nướng rất thơm, hơi cay nồng chứ không đắng. Khi nấu canh có vị ngọt, giòn.

Diện tích vườn không lớn vẫn cung cấp lượng rau nhiều gấp đôi khả năng tiêu thụ của gia đình. Thương thường trồng các loại rau ăn lá, gieo cấy khi cây đã cao 5-10 cm. Khi cây già sẽ trồng xen vào các cây con. Dưới các chậu đậu, dưa, luôn trồng xen các rau ưa râm mát như húng, mùi... Những lúc dư rau, Thương luôn hái cho người thân và khách hàng.

"Từ ngày trồng được rau sạch, mình thấy chẳng có món quà nào thiết thực và hạnh phúc hơn là tặng rau này cho mọi người', cô nói.

Xuất thân là con nông dân, cô gái quê Tuyên Quang không quản ngại các công việc làm vườn chân tay lấm đất. Vốn có sẵn kinh nghiệm, nay lại có thêm các dịch vụ hỗ trợ làm vườn, nên công cuộc làm "nông dân sân thượng" của cô khá suôn sẻ.

Ví như khi trồng dưa chuột lứa đầu, sẽ có một đàn chị nhiều kinh nghiệm chỉ cho cô cần phải bón dinh dưỡng thời kỳ nào, bấm ngọn ra sao, làm đúng những bước sẽ có vụ mùa bội thu. Lại có lần nhân viên quên đóng cửa vườn ban đêm, làm côn trùng bay vào gây sâu bệnh cho một chậu rau. Được tư vấn dùng dung dịch tỏi, ớt để phun, tuy nhiên phòng trường hợp lan ra cả vườn, nên cô liền nhổ bỏ trồng lứa khác.

Mặc dù có hệ thống tưới tự động, không phải cây nào cũng tưới như nhau nên Thương thường tưới tay. Chỉ những lúc đi công tác cô mới bật hệ thống tưới thông minh từ xa.

"Việc trồng rau mình có vẻ 'dị' như cách mọi người hay nói. Mình thậm chí lắp camera để những ngày không thể lên vườn, có thể zoom cận vào từng cây xem có vấn đề gì không. Những khi có thời gian rảnh, ngoài đọc về nghề spa, mình chỉ lân la các hội trồng rau học kinh nghiệm", cô chia sẻ.

Nhiều lúc Thương rất áp lực công việc. Khi đó cô lên vườn nhặt cỏ, tưới rau, nhìn thấy cây tốt tươi, tự khắc lòng cũng thấy dịu lại.

"Mọi người hay bảo mình ăn rau cả đời cũng không hết được chi phí sửa vườn, nhưng làm vườn với mình còn là một sự tận hưởng mà so với các loại tận hưởng khác nó bền hơn, có tác dụng hơn", cô bộc bạch.

Phan Dương