Doanh nghiệp này kinh doanh dưới giá vốn hai năm liên tiếp với mức lỗ năm ngoái tăng thêm gần 24% so với năm 2020.
Cùng với kết quả kinh doanh đi lùi, vốn chủ sở hữu của Seedcom giảm gần 95% so với năm 2020, còn hơn 21 tỷ đồng. Kéo theo đó, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nâng lên gần 69,5 lần, tăng hơn 26 lần chỉ sau một năm. Theo đó, doanh nghiệp đang ghi nhận gần 1.480 tỷ đồng nợ phải trả.
Năm ngoái, Seedcom huy động 50 tỷ đồng bằng trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động và đầu tư vào các công ty con. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 2 năm với lãi suất 12% một năm. Tài sản đảm bảo là hơn 1,8 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Trà Cà phê Việt Nam - công ty con của Seedcom và là đơn vị vận hành chuỗi The Coffee House - với giá trị hơn 200 tỷ đồng.
Nguyên nhân lỗ đậm do ảnh hưởng của đại dịch đến hệ sinh thái bán lẻ của Seedcom. Trong giai đoạn cao điểm giãn cách, gần như chỉ có hai đơn vị giao vận là AhaMove và Giao Hàng Nhanh được hoạt động, các chuỗi khác như The Coffee House, Juno, Hnoss... phải đóng cửa suốt thời gian dài.
Trước đó, dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái trên khi Ficus Asia Investment - quỹ đầu tư đứng sau Seedcom - công bố kết quả kinh doanh đi lùi trong năm 2020. Quỹ này chỉ ghi nhận gần 157 triệu USD doanh thu, giảm 11% so với năm liền trước. Trong đó, bán lẻ cà phê và thời trang suy giảm nhiều nhất.
Mức lỗ ròng năm 2020 của Ficus Asia tăng hơn phân nửa lên 38 triệu USD. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp cho biết, con số thực tế chỉ khoảng 3 triệu USD. Phần còn lại là chi phí dự phòng trích trước (phi tiền mặt) liên quan tới các cam kết với nhà đầu tư.
Quý cuối năm ngoái, The Coffee House ra mắt mô hình ki-ốt, chuyên phục vụ mua mang đi, tích hợp vào các siêu thị tiện lợi hoặc đặt điểm bán nhỏ tại các trục đường chính. CEO Lê Bá Nam Anh từng cho biết The Coffee House sẽ mở số lượng lớn cửa hàng theo mô hình này từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay. Nhưng thực tế đến nay, chuỗi này chỉ mới mở được 2 điểm bán ở TP HCM.
Năm rồi, Seedcom cũng "lấn sân" mảng tài chính khi hợp tác Ngân hàng Kvision thuộc Kbank (Thái Lan) để cung cấp giải pháp thanh toán, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo hiểm và quản lý tài sản. Hai bên muốn thúc đẩy các giao dịch phi tiền mặt và đẩy mạnh hoạt động tài chính tại Việt Nam.
Ngoài mở rộng kinh doanh, Seedcom cũng đã chuyển giao Cầu Đất Farm - đơn vị sở hữu trang trại, xưởng chế biến và kho trữ lạnh cà phê - cho Nova Consumer. Đây được xem là động thái nằm trong kế hoạch tái cấu trúc các danh mục đầu tư, tập trung hơn vào các giải pháp hỗ trợ bán lẻ kiểu mới và công nghệ bán lẻ. Seedcom muốn tận dụng nền tảng công nghệ và cắt giảm các danh mục đầu tư không còn phù hợp.
Seedcom được thành lập năm 2014 với mục tiêu phát triển mô hình bán lẻ kiểu mới (new retail) - ứng dụng công nghệ ngành bán lẻ và sản xuất để mang đến trải nghiệm xuyên suốt từ online đến offline. Doanh nghiệp này không chỉ đầu tư tài chính mà còn tham gia vào vận hành, phát triển sản phẩm và dịch vụ tại các công ty trong hệ sinh thái. Đến nay, Seedcom đang điều hành nhiều thương hiệu như The Coffee House, AhaMove, Giao Hàng Nhanh, Juno, Hnoss, Kingfoodmart, Haravan...
Tất Đạt