Suốt quá trình trước, trong và sau trận hải chiến Hoàng Sa, Việt Nam Cộng hòa (VNCH) liên tục phản đối các hành động của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao VNCH đã ra Tuyên cáo lên án Trung Quốc xâm chiếm và khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của VNCH tại quần đảo này.
Trên thực địa, nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền, hải quân VNCH đã phải nổ súng, thực hiện quyền tự vệ chính đáng, dù biết đối phương mạnh hơn.
Một ngày sau trận chiến, Bộ Ngoại giao VNCH tiếp tục có công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc để yêu cầu Tổng thư ký, theo Điều 99 Hiến chương, lưu ý Hội đồng Bảo an về tình hình nghiêm trọng xảy ra bởi hành động xâm chiếm của Trung Quốc. Tiếp đó, VNCH gửi thư cho các quốc gia thành viên của Hiệp định Paris 1973 để cảnh báo về hiểm họa gây ra bởi việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 21/1/1974, Ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc đã triệu tập sứ quán các nước để tố cáo hành động của Trung Quốc và yêu cầu các nước lên tiếng bày tỏ thái độ, ban hành những biện pháp thích hợp trước biến cố này.
Ngày 14/2/1974, Chính phủ VNCH công bố một bản Tuyên cáo xác nhận chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định VNCH sẽ tiếp tục đấu tranh để tái lập và bảo vệ chủ quyền của mình trên những quần đảo này. Tuy sẵn sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng, nhưng điều này không có nghĩa là VNCH từ bỏ chủ quyền trên những quần đảo này.
Ngày 22/3/2974, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc đã đến New York (Mỹ) hội kiến Tổng thư ký Liên hợp quốc để tái xác định lập trường của VNCH về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.
Trong khi đó, nhìn ở khía cạnh luật pháp quốc tế, hành động của Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm Hoàng Sa.
Hiến chương Liên hợp quốc tại Khoản 4 Điều 2 quy định: “Các nước thành viên Liên hợp quốc trong quan hệ quốc tế không được đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc nhằm những mục đích khác không phù hợp với mục đích của Liên hợp quốc”.
Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc quy định rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu từ một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.
Nghị quyết cũng quy định: “Các quốc gia có nghĩa vụ không đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hay như một biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.
Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực ra đời đã đặt dấu chấm hết cho phương thức thụ đắc lãnh thổ bằng xâm chiếm (conquest). Nguyên tắc này ra đời trước khi trận hải chiến tại Hoàng Sa diễn ra. Do đó, Trung Quốc bằng hành vi sử dụng vũ lực, không thể xác lập chủ quyền phi pháp của mình trên quần đảo Hoàng Sa theo luật pháp quốc tế.
Nguyên tắc này cũng được cụ thể hóa trong một loạt các văn kiện quốc tế quan trọng khác như: Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc 1974 về định nghĩa "xâm lược", Định ước của Hội nghị Hensinki 1975 về an ninh và hợp tác của các nước châu Âu, Tuyên bố năm 1987 về việc nâng cao hiệu quả của nguyên tắc khước từ đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế…
Điều 301 Công ước Luật biển 1982 cũng quy định rằng: “Trong việc thực hiện các quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình, các quốc gia thành viên tránh dựa vào việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của mọi quốc gia, hoặc tránh dùng bất kỳ cách thức nào khác không phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế đã được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc”.
Việc Trung Quốc xâm chiếm các đảo Phú Lâm và Lin Côn năm 1956 và dùng quân đội chiếm đóng các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Cam Tuyền, sau đó là toàn bộ nhóm đảo Trăng Khuyết là hành động cưỡng chiếm bằng vũ lực, phù hợp định nghĩa về hành vi “xâm lược” theo luật pháp quốc tế.
Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc số 3314 ngày 12/4/1974 đã đưa ra danh mục các hoạt động được coi là hành vi xâm lược, không phụ thuộc có tuyên bố chiến tranh hay không và ở nơi nào. Theo đó, việc sử dụng lực lượng vũ trang chiếm đóng, thôn tính toàn bộ hay một phần lãnh thổ quốc gia khác được coi là hành vi xâm lược.
Nguyễn Hùng Cường